Kể truyện này để chứng minh rằng ma không làm hại
người, chỉ có con người mới hay hại nhau thôi, một số ít ma vui tính cũng hay
đùa bỡn trêu ghẹo người ta nhưng tuyệt nhiên không bao giờ gây thương tích ,hay
làm ra truyện ốm đau cho con người .Ba ông thày cúng,thày bói dựng truyện đổ
oan cho ma ,nên các ổng hay bị ma nó ghét ,nó phá, hầu hết các ổng chỉ hành
nghề được một thời gian là hết linh ,thường phải bỏ nghề ,chỉ những thày cúng thày
bói “nghiêm chỉnh” mới hành nghề được lâu .
Quê mình cũng
là “mảnh đất lắm người nhiều ma” lần này mình kể ra câu chuyện rất điển hình ma
quê ai hay sợ thì đừng xem kẻo đêm giật mình.
Ma con mẹ ranh
Làng tôi xưa là một làng thuần nông vì thế quanh làng
có rất nhiều lối mòn thông ra cánh đồng (là để đi làm cho thuận lợi), nơi tôi ở
từ đời các cụ kỵ ngày xưa người ta thường ra đồng làm việc theo hai lối mòn
chính: gọi là “bờ ngay” và “bờ đơm”, bờ ngay vì là nó ngay đầu thôn, nhiều
người qua lại và cũng ngay thẳng, ít chuyện lạ xẩy ra ,còn bờ đơm phải đi lui
xuống tận cuối thôn, nó là cái bờ ngăn giữa khu đồng cao với đồng thấp, cứ tới mùa
mưa là nước ngập trắng đồng và nơi này thường xuyên có nước chảy từ khu đồng
cao xuống khu đồng thấp ,từng đàn cá lớn thường qua lại nơi đây, khi thì chúng
xuôi dòng từ cao xuống thấp khi chúng lại bơi ngược từ đồng thấp lên đồng cao,
tóm lại nơi đây rất nhiều cá và người ta hay đặt “đó” đơm cá ở đây, lâu thành tên
gọi “bờ đơm” (mà cũng có thể còn có nghĩa là đơm đặt chuyện này nọ cho ngược
với cái “bờ ngay” là ngay thẳng, cái đó chẳng ai biết) , nó là những bờ ruộng
nối liền nhau được người ta đắp to ra cho chắc chắn, đi nhiều thành lối mòn nên
còn được thêm chữ đường cho oai “đường bờ ngay” “đường bờ đơm” .
Năm ấy mưa nhiều, đồng cao ,đồng thấp đều đầy ngập, cá
tôm, ếch nhái nhiều lắm, để cải thiện bữa ăn, tôi và ông anh trai chiều chiều
thường vác cần câu đi dọc theo hai con đường “bờ ngay” “bờ đơm” câu ếch. Trời
mưa, bọn ếch nhiều thức ăn nên chê mồi, câu chẳng được bao nhiêu, khi qua đoạn
“bờ đơm” thấy cả chục những chiếc “Đó” chiếc “Lờ” chiếc “Giỏ” của người ta đơm
ở đây cái nào cũng đầy cá, nghe tiếng quẫy nước rách rách bên trong hấp dẫn
quá, tối hôm ấy về ông anh bàn với tôi
- Tao với mày đan cái “đó” mang ra “Bờ đơm” đơm cá thế
nào cũng được nhiều cá ,tất nhiên là tôi tán thành ngay . hôm sau sang cụ hàng
xóm xin được cây tre còi mang về, hai anh em hì hục chẻ nan đan “đó”, lại nói
về đồ nghề đánh bắt cua cá của các bác nông dân thì nhiều loại lắm: “đó” để đơm
chỗ nước chảy ,”lờ” để bãy cá thường phải cho mồi vào bên trong, giỏ thường chỉ
dùng để đựng , nhưng mà khi cần vưỡn có thể dùng lẫn không sao hết, ông anh tôi
khéo tay đan loại nào cũng thành thạo và đẹp hết chê ,nhưng rất khó chịu là mấy
thằng bạn trẻ trâu cùng trang lứa quanh xóm, nghe nói anh em tôi đan “đó” là
xúm lại xem,rồi bình phẩm, chê bai. Cái đó không quan trọng anh em tôi lo nhất
là tụi này nó phá mình, đến bữa cơm anh tôi bảo
- Mấy thằng ranh này thế nào cũng phá tao với mày,
điều ảnh nói trúng ý tôi, lạ gì ba thằng hàng xóm, đánh nhau thì cùng phe, chơi
đùa thì cùng tới bến ,nhưng mà ghìm nhau cũng ghê lắm. hơn chúng một chút xíu
là chúng phá, mới đây thôi, anh em tôi kỳ công tìm kiếm, phát hiện ra 5 tổ chim
,tổ nào cũng có chim non, định bụng để lớn chút bắt về nuôi, thế mà mấy thằng
đó rình biết được, nẫng tay trên hết sạch, khi anh em tôi xách lồng đến định
lấy chim đem về thì còn mỗi cái tổ không, có tổ chúng còn lấy cục phân bò đặt
lên để chế riễu ,ông anh tôi cay lắm bàn với tôi xách súng cao su (ná thun) đi
tìm bắn tung mấy tổ chim của chúng nó kể cả tổ chim “bồ các” to tướng ở tít
trên ngọn cây soài cao chót vót .bọn chúng tức nhưng không bắt được quả tang,
nên phải cắn răng chịu ,bi giờ mà biết nơi anh em tôi đơm “đó” chắc chắn là
chúng nó sẽ phá, nhẹ là đổ trộm cá đem về, nặng là lấy trộm cả đó hoặc dẫm cho
bẹp ,các buổi sáng sớm anh em tôi đều phải đi học, nên tận buổi chiều hôm sau
mới đan xong, mấy thằng bạn bất đắc dĩ đã đến ngồi chầu chẫu đấy rồi, sau khi
hơ lửa cho cháy hết những sợi lươm tươm cái “đó” đẹp hẳn lên ,thằng nào cũng
gật gù ưng ý, nhưng anh tôi tuyên bố xanh rờn
- Còn phải gác lên bếp cho bắt bù hóng khi nào chuyển
sang mầu đen mới dùng được, bọn kia chưng hửng bỏ về ,tối hôm ấy ăn cơm xong
trời lại xập xì mưa, chờ tối sẫm không nhìn rõ mặt người ông anh kéo tôi ra sân
- Đi dặt đó với tao ! tôi ngạc nghiên
- Thế không chờ cho nó đen à ? anh tôi cười hì
- Chờ đen có mà đến sang năm ,tao nói thế để cho bọn
kia nó về thôi ,hai anh em xuống bếp lấy “đó” ,khoác áo mưa rồi lùi lũi đi ra cổng,
tôi cầm thêm một chiếc que rút ở bờ rào để khua đuổi rắn, vì tôi vốn sợ rắn mà đi
ngoài đồng về đêm rất hay gặp rắn.Trời tối, đường đất mưa rất trơn phải đi chân
trần để còn bấm ngón chân xuống cho khỏi ngã, một lúc thì ra đến “bờ đơm”tiếng
nước chảy chỗ rào rào nơi róc rách nghe sướng lỗ tai nhưng anh tôi vưỡn không
đặt đó, anh thì thầm
- Mình phải tìm nơi thật kín đáo đặt “đó” thì mấy đứa
trong xóm mới không lần ra được ,theo tiếng nước chảy chúng tôi vòng vào một bờ
lúa thâý nó bị vỡ một khúc khá to ,nước tuôn ào ào, anh tôi khen
- Đây! chỗ này tốt rồi, thế là hai anh em hè nhau bới
đất đặt đó, đặt xong lấy cỏ phủ kín rồi đắp lại bờ ruộng để nước không chảy
lung tung, chỉ dồn vào miệng “đó thôi”,rồi lại phải làm đường cho cá đi ,anh
tôi bảo phải vét sạch bùn và những vật cản để con cá không bị vướng thì nó mới
chui vào ,tôi đang say xưa làm theo chỉ đạo của ông anh, thì bất chợt có con gì
to lắm vờn quấn vào bắp chân, tôi hoảng nhảy tót lên bờ.
- Úi!!... có con gì to quá, nó quấn vào chân… ,ông anh
tôi cũng sợ nhảy lên theo, thì thào hỏi tôi
- Con gì? Mày thấy con gì?
- Không biết…nhưng ghê lắm!!…, anh tôi giảng giải
- Trơn trơn là cá, ráp ráp là rắn… tôi vưỡn chưa hết
ghê
- Vừa trơn,vừa ráp rất kinh khủng… hai anh em ngồi chôm
hổm trên bờ một lúc, thấy êm êm anh tôi giục
- Chắc nó đi rồi xuống làm nốt cho xong đi ,hai anh em
lại xuống cào, bới ,bất chợt cái con vật ấy nó lại quấn vào chân tôi lần nữa,
đã cảnh giác từ trước nên tôi phản xạ rất nhanh chạy ào ngay vào bờ
- Úi..trời ơi !…nó vưỡn còn…vưỡn còn…ghê quá !… ông
anh cũng chạy theo lên bờ ,đứng tần ngần một lát anh tôi bảo
- Thôi thế là được rồi về thôi, nhớ kỹ chỗ này để sớm
mai ra nhắc đó đấy, anh em lúi cúi về, đến đầu bờ ruộng, tôi cắm chiếc que rào
làm dấu cho khỏi quên,
Hôm sau như thường lệ chúng tôi dậy sớm nấu cơm ăn vì
anh tôi phải đi học xa ,anh phân công
- Để cơm tao nấu ,mày ra nhắc “đó” đi, ra xem có con
cá nào mang về làm thức ăn .Tôi ừ ào gật gù nhưng chưa đi, trời vẫn còn mưa lất
phất và cái chính là tối quá, mọi ngày chặp này tảng sáng rồi, nhưng mấy ngày
nay mưa dầm nên lâu sáng, anh tôi nhắc mấy lần tôi mới miễn cưỡng đứng dậy đội
nón khoác cái áo tơi lá cọ rón rén đi ra .Đường vắng tanh, bọn nhái bén nghiến
răng kèn kẹt trên mấy cây to ven đường, ba loài côn trùng gặp mưa kêu rả rich
trong chân lũy mấy con cóc con nhái nhảy hoảng rào rào quanh chân bước ,đã thế
từ nhà tôi muốn đi ra “bờ đơm” lại phải trèo qua cái bãi tha ma tên là “mã đẻ”
là nghĩa địa chôn người chết của làng mới ngán chứ, những lần trước đi hai
người có anh có em nên không mấy bận tâm ,giờ đi một mình thấy ớn ngang xương,
mặc dù đã tự nhủ không có gì phải sợ, nhưng chân cứ ríu lại không đi nhanh được
,lần mò mãi mới tới đầu bờ đơm trời cũng đã hết mưa và bắt đầu tảng sáng, bỗng nghe
tiếng ngã “ạch” phía sau ,quay lai thấy một người trên mình cũng khoác chiếc áo
tơi lá, đang nằm còng queo cách tôi vài bước chân ,người ấy cố đứng dậy đi được
vài bước lại ngã cái nữa ,lại cố đi ,lại ngã ,sau lần ngã thứ ba ,thì nó ngồi
bệt đấy không đi nữa ,tôi đang phân vân,không biết xử trí ra sao thì người đó nhìn
thấy tôi, cất giọng the thé
- Này thằng cu, đỡ “tao”cái nào!!..
Nghe cách gọi như là người ấy đã biết tôi ,thận trọng
tiến lại gần thì thấy có lẽ đây là bà già vì bên dưới chiếc nón rách tôi thấy cái
đầu trùm khăn đen nhưng tối quá không sao nhìn rõ mặt được, tới bên chưa kịp
phản ứng thì người ấy đã thò tay tóm tay tôi rất chặt rồi đu mình đứng dậy làm
tôi lao đao xuýt ngã ,ối trời đất ơi…sao cái tay ấy lạnh thế chứ , tôi nghĩ do
dầm mưa nó lạnh nên không quan tâm đến điều này chỉ hỏi một câu chiếu lệ
- Bà cụ đi đâu mà ra đây
- Tao ra đằng kia ,người ấy một tay vưỡn nắm chắc tay
tôi một tay chỉ ra phía trước – mày dắt tao đi nhẻ… .Từ chối chẳng được đành kèm bà ta đi, đường
trơn tuồn tuột mà bà ta ghìm tôi nặng ơi là nặng tôi phải ra sức bấm ngón chân
nhích từng bước ,được một đoạn bà ta cất giọng the thé
- Đi lò dò như mày bao giờ mới tới được . Tôi vội sải
bươc dài ra thì bất ngờ bị bà kéo lại thật mạnh làm tôi ngã cái “oạch” bà ta thả
tay cười khanh khách vỗ bốp bốp ba cái rồi reo lên “một nhát”…tôi ức quá cằn
nhằn
- Làm người ta ngã lại còn reo hò gì? Vừa đứng dậy thì
lại bị níu ngay một bên tay rồi cái giọng the thế ấy lại giải thích rằng “ai
nhìn thấy người ngã cũng phải reo cười, như vậy kẻ bị ngã mới không cảm thấy
đau” đang tức, muốn hất tay bà ta ra nhưng nghe nói có lý nên lại thôi ,vừa bấm
chân thận trọng bước ,vừa nhớ lại những buổi mưa trơn mấy thằng bạn đi học với
nhau, không may có thằng té ngã là cả bọn cùng reo lên khoái trá ,im lặng, tôi
hết sức tập trung để khỏi ngã chợt bà ta la lên
- Mày đi rìa đường thế kia mà ngã là kéo cả tao xuống
ruộng đó!, tôi vội bước vào giữa đường thì bà ta hất ngược tay ,tôi lại ngã
“oạch” cái nữa bà ta lại thả tay vỗ đôm đốp reo lên “hai nhát” Ức tận cổ không
thèm nói gì ,tôi dứng dậy đã bị tóm ngay cánh tay, muốn hất ra quá nhưng nể
người già (là tôi nghĩ vậy) tôi cắn răng im lặng bước , được một đoạn nữa bà
già đó lại kêu lên
- Thằng ranh ,mày rắm thối quá , đúng là có mùi thối
thật, thối quá thể, thối như mùi cóc
chết ,nhưng tôi thề là không phải tôi mà chính là bà ta ,tôi tức quá kêu lên
- Chính là bà thối!..., rồi hất mạnh tay bà ta ra ,thế
quái nào trúng chỗ đường trơn mất đà tôi ngã “oạch” cái nữa sau mấy cái vỗ tay
bà ta lại reo lên “ba nhát” ,nhổm dậy thấy cái que tôi cắm tối qua kề ngay
trước mặt tôi liền nhảy tót qua rãnh nước sang bờ bên kia rồi quay lại nói với
bà già
- Thôi! từ đây bà cụ tự đi lấy nhá, cháu tới nơi rồi,
rồi lom khom chạy theo bờ ruộng vào sâu phía trong, tới cái chỗ đặt “đó” nhắc
ào lên, nghe thấy lục cục bên trong nhưng trời tối không nhìn rõ là con gì ,tôi
vác lên chạy về, vưa nhảy sang bờ thì thấy bà già khi nãy vưỡn đứng đấy, bà đưa
tay bảo tôi,
- Được cá rồi à?, mày lại đưa tao về nhẻ ? tôi thụt
tay lại
- Cháu quay về làng không đi cùng đường với bà đâu! .
Bà ta lục cục bước tới chìa tay ra
- Tao cũng về làng…,tôi lùi lại, mặt bà ta đang quay
về phía làng tôi tức là phía đông, mà lúc này chân trời đã rạng sáng nên tôi
nhìn rõ khuôn mặt, không hẳn đã già, nhưng có đặc điểm rất ghê là hai con mắt to
và trắng bệch ra như mắt con cá chết còn cái miệng lại rộng quá cỡ khiến nó
vòng hẳn ra phía sau khoằm xuống giống như miệng con ếch cụ ,tôi hoảng lùi thêm
vài bước nữa ,bà ta cứ tiến lên chìa tay ra ,tôi co tay lại ,nói to cũng là để
tự trấn an mình
- Không ! tay bà lạnh như tay ma ấy ,bà ta cười he he
- Thì tao là ma đây mà lỵ ,bất ngờ quá tôi vừa lùi vừa
nói cứng
- Ma tôi cũng không sợ, miệng bà to thế chứ to nữa tôi
cũng không sợ…, bà ta nói tưng tửng
- To nữa…còn to nữa chớ…,tao vành ra một nhát là miệng
to bằng cái gầu giai ngay đây ,nói rồi đưa tay lên không biết vành kiểu gì đó
(trời tối tôi không nhìn rõ) mà cái miệng nó há to ra như cái gầu giai thiệt,
nói đúng ra thì nó tròn xoe to bằng chiếc nón lá, chiếm hết cả mặt, tôi quay
đầu chạy về làng, nó ngồi xuống vừa vỗ bộp bộp vào bờ ruộng vừa reo
- Sợ rồi…sợ rồi…mày sợ rồi…ệp…ệp…ệp…mày sợ rồi…, tôi
co dò chạy không dám quay lại nhưng miệng vẫn nói cứng
- Không sợ…không sợ…không sợ , tôi chạy nhanh lắm ngã
mấy lần, có lần đè cả lên cái đó may nó mới nên không bị bẹp .Về tới nhà tôi
vất cái đó nơi cửa bếp ,chạy vội ra cái chum hứng nước mưa trước nhà múc nước
xối ào ào sạch hết bùn đất mới chạy vào ,thấy ông anh tôi đã mở đó, đổ ra một
con cá to tổ chảng nhưng nó đã chết cứng, nhìn tới con mắt nó tôi choáng hết cả
người ,mắt nó giống hệt như mắt con ma tôi nhìn thấy ở “bờ đơm” vâng bây giờ
tôi đã biết đó là con ma và mắt con cá này giống in hệt mắt con ma đó ,tôi tần
ngần hỏi ông anh
- Có ăn được con cá này không ? ông anh tôi trả lời
tỉnh bơ
- Ăn tốt ,cá ngợp nước chết ăn là bình thường ,không sao
cả, rồi ổng giải thích cho tôi
- Tự vì tối qua tao với mày không để cho cái đuôi đó
thò lên chút xíu nên con cá không đớp khí được chắc vừa mới chết thôi, nói rồi
ổng đem cá ra mổ ,xắt khúc cho vào nồi kho ,tôi lên nhà thay đồ, trời tối lục
đục hồi lâu mới xong, lúc quay xuống đã thấy ổng xắp cơm ăn nồi cá kho sôi sình
sịch trên bếp ,hai anh em cùng ăn cơm, lâu lâu ông mở nồi cá gắp một khúc ăn
ngon lành, tôi cũng mở vung nồi cá kho định làm một khúc, nhưng vừa mở vung ra
thì thấy cái đầu cá to tổ chảng xếp giữa nồi trừng mắt lên nhìn tôi, vâng vưỡn
đôi mắt trắng dã ấy, hình như nó lại nháy mắt với tôi một cái ,tôi hoảng úp lại,
thấy vậy anh tôi hỏi
- Không ăn à? tôi nói thác ra là cá kho chưa kỹ nên
không thích ăn ,hồi ấy đang tuổi lớn không cần thức ăn tôi vưỡn chén bay vài
bát cơm ,khi tôi ăn xong thì anh trai tôi đã cắp sách vở đi học trước vì anh
học trường xa ,còn tôi học ngay trường làng nên luôn đi sau ,tôi chất củi đun
thêm nồi cá thật lâu rồi mới lên nhà rửa mặt mũi đi học…. . Đến trưa tan học về
thấy đói, xuống bếp làm bát cơm nguội ,nồi cá đã bị mấy đứa em chén sạch còn mỗi
cái đầu ,khỉ thật, nó cứ mở mắt thô lố nhìn làm tôi không dám thò đũa vào gắp, đành
đậy lại để đấy, một lát sau ông anh trai đi học về cũng xuống bếp lấy cơm ăn
,ông xơi ngon lành cái đầu cá ,còn khen là tôi kho kỹ ăn rất ngon,ăn xong anh
hỏi tôi
- Con cá vừa rồi mày ăn được mấy khúc ,tôi lắc đầu
- Không ăn khúc nào hết! anh hỏi tại sao không ăn ,tôi
kể lại toàn bộ truyện hồi sớm ra lấy “đó” gặp ma, anh gật gù tỏ ra thông thạo
- Mày gặp phải ma “con mẹ ranh”đấy
- Sao anh biết ? anh lại gật gù
- Tự nhiên nghĩ ra vậy thôi ,rồi anh giảng giải vanh
vách
- Nghe các cụ kể lại rằng năm đói kém có con bé ở tận đâu
ấy dến đây ăn mày nhưng mà nhà nào cũng đói, người ta chẳng có gì cho nó cả ,đói
quá nó ra đồng ăn trộm đòng đòng lúa, thế là bị người ta truy đuổi ,nó chạy giỏi
lắm cứ luồn từ bờ ruộng này sang bờ ruộng kia không ai bắt được ,nên người ta
gọi là con mẹ ranh ,người ta vây không cho nó vào làng, nó bị chết đói ngoài đồng
, được đưa về bãi tha ma“mã đẻ” chôn cất ,không có hương khói nên không siêu
thoát được cứ vẩn vơ đây đó, thỉnh thoảng lại hiện lên trêu người ta, nó hay
hiện lên lúc buổi đêm hay khi đồng vắng ,rồi ổng còn cảnh báo
- Ai bị nó trêu mà thấy sợ bỏ chạy là nó còn tìm gặp trêu
nữa ,chẳng biết anh nói có đúng không nhưng tôi nhớ hôm đó tôi đã tuyên bố rất
mạnh mẽ
- Lần sau mà gặp nó là em không thèm chạy! (Còn nữa)
Hay thì hay. Song cát không tin
Trả lờiXóacám ơn Hạt Cát , các truyện ma thường khó tin vậy đó cát ạ
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Xóa