Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Bồ câu bay lên (tiếp)

Lâu không đăng bài, hôm nay kể tiếp "Bồ câu bay lên" khoảng cách khá xa ,nhấn tag "kể chuyện" tìm phần đầu nha

....................
Hôm sau làm ca chiều nhưng tôi đi sớm, lúc qua cây nhãn đầu ngõ bẻ luôn mấy chùm quả nhét vào cái ca táp bộ đội cũ, xong xuôi mới đạp xe đến công ty ,quăng cái cạp lồng cơm vào cổng bảo vệ rồi tạt ngay vào nhà nó. Giờ làm việc khu tập thể vắng tanh, vào đấy mới thấy có khá nhiều trẻ con bị nhốt ,tôi leo lên lầu hai, mấy đứa ở tầng dưới còn gọi léo nhéo “Bác ơi mở cửa cho con !” tôi nhìn chúng cười ,chúng cũng cười toe toét, nhìn mà thấy tội ,thực ra chúng đã quen với kiểu nhốt này rồi ,thấy có người đi qua chúng gọi để hóa giải nỗi mong chờ người thân thôi .Tôi đến trước nhà nó ,cũng như những đứa trẻ khác, nghe tiếng chân người là chạy ra cửa ,nhưng vừa thấy tôi nó thụt vào góc nhà đứng nhìn trân trân ,tôi vẫy tay gọi
- Ra đây, bác cho quà này cháu !,gọi mấy lần cu cậu mới len lén ra ,môi chum chúm ngượng nghịu ,tôi luồn qua song cửa đưa cho nó mấy chùm nhãn nó lắc đầu
- Bố cháu mắng!? tôi bảo
- Không sao! cứ nói là của bác cho là bố cháu không mắng ,hồi lâu nó mới đưa tay ra nhận ,
- Cháu xin! cháu cám ơn bác, tôi thầm khen, thằng cu này được bảo ban tốt, đặt mấy chùm quả lên cái bàn con trong góc học tập rồi nó quay ra nhìn tôi lém lỉnh,
- Bác đến mách tội của cháu với bố à? Tôi lắc đầu
- Bác đến chơi với cháu thôi ,chuyện gọi điện thoại lần này bác tha, lần sau thế nữa là bác mách bố cháu thật đấy !, cơ mà cuối tháng người ta thanh toán cước điện thoại thế nào mẹ cháu cũng biết. Nó nhìn cái máy điện thoại rồi trả lời dứt khoát
- Cháu không sợ !Chị cháu cũng hay gọi cơ mà ,lúc này tôi mới nhớ là nó còn có chị gái liền hỏi,
- Chị cháu đâu ? nó nhìn tôi thản nhiên
- Chị cháu buổi trưa không về ,chị cháu đến nhà cô giáo để học thêm ,tôi ngạc nghiên
- Chị cháu học kém lắm sao mà phải học thêm ,nó nhướng đôi mày ngỡ ngàng
- Chị cháu học rất giỏi, giỏi nhất nhà, tôi vưỡn không hiểu,
- Học giỏi rồi sao còn phải học thêm ? Là hồi ấy nó vậy người ta vưỡn loanh quanh với tư duy bao cấp ,nên ở quê tôi hầu hết các vị phụ huynh chưa ai nghĩ đến việc cho con học thêm, chỉ những học sinh quá kém giáo viên chủ nhiệm mới yêu cầu phải học thêm để bảo đảm thành tích chung, mà là học miễn phí ,nghe tôi hỏi vậy nó cười
- Bố mẹ cháu bảo phải học thêm để giỏi nhất lớp ,rồi nhất trường ,nhất quận ,nhất thành phố…
- Để làm gì ?rồi chị cháu cũng vào học đại học như các bạn không nhất thôi ,nó nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh
- Cháu không biết !? Là bố mẹ cháu thích thế, tôi chưa kịp hỏi thì nó đã khẽ khàng giải thích ,
- Mẹ cháu vẫn bảo là ,có hai đứa con ngoan học giỏi ,mẹ tự hào lắm ,cứ như được vận bộ đồ đẹp ấy ,thế nên phải chăm sóc thật kỹ ,nếu nhàu là phải ủi ngay, nếu bẩn là phải giặt ngay, Tôi tò mò
- Thế giặt như thế nào ? Nó trố mắt nhìn tôi
- Bác không biết à? Mẹ cháu hay giặt bằng tay ,còn bố cháu giặt bằng cái cán phất trần kia kìa ,nó chỉ vào cái phất trần treo ở góc nhà, tôi gật đầu cười
- Bác hiểu rồi…,thế ai giặt đau hơn? Nó thì thầm
- Mẹ giặt bằng tay, lung tung, có lần trúng vào bụng cũng đau ,nhưng thường là ít đau ,còn bố giặt bằng cán phất trần cứ nhằm mông cháu mà giặt, đau lắm ,cháu rất sợ bị bố giặt, cơ mà bố ít giặt hơn mẹ ,nói đến đây nó lon ton chạy tới chỗ bàn lấy một quả nhãn bóc vỏ vừa ăn vừa thì thầm
- Bác đừng mách với mẹ nhá ,không mẹ bảo ăn tham ,cháu ăn gì cũng phải chia cho chị, thế mà có lần chị ấy có quà không cho cháu đấy ,tôi định gọi nó ra gần cửa để bảo nó cứ ăn đi rồi bác cho nữa ,nhưng lúc này mới nhớ là chưa biết tên nó
- Này! thế cháu tên là gì nhỉ? ,nói bác biết để còn gọi, nó chạy lại nhướng đôi chân mày thì thầm,
- Cháu tên là Bình ,ở lớp cô giáo gọi là: Phan hòa Bình, bố cháu bảo tên thế có nghĩa là người yêu hòa bình, về nhà Mẹ lại gọi cháu là “Bồ câu” lúc nào cũng “Bồ câu bay lên” ,tôi bật cười
- Mẹ cháu cũng có lần gọi bác là “Bồ câu bay lên đấy” .Nhưng bác là con bồ câu già ,rụng hết lông rồi nên không bay lên được, còn cháu là “bồ câu” non chưa đủ lông nên cũng chưa bay lên được nhưng rồi lớn lên cháu sẽ bay giỏi lắm, giỏi hơn cả bố cháu ấy, nó lắc lắc cái đầu
- Cháu không thích bay lên, tôi phản đối,
- Bay lên thích chứ, cháu là chim bồ câu cơ mà ! nó ngước đôi mắt trong veo nhìn lên khung cửa xổ đối diện ngoài hành lang lắc đầu,
- Ở trên ấy không có gì đâu !
- Sao cháu biết?
- Ngày nào cháu cũng nhìn qua cửa xổ ,nhìn rất xa ,cơ mà không thấy có gì cả !
- Thế nào cũng có chim bay chứ?
- Có, nhưng nó bay nhanh lắm ,nó sợ cái gì ấy?
- Không sợ đâu, nó bay đi tìm thức ăn thôi
- Con chuột không bay, nó vẫn tìm được thức ăn đấy, nhà cháu rất nhiều chuột ,trên trời ấy có thứ gì ăn được mà tìm?
- Cũng có đấy ,rất ít chim kiếm được thức ăn trên trời ,chim bồ câu nó tìm thức ăn dưới mặt đất
- Thế thì mẹ cháu bảo cháu phải bay lên để làm gì?
- Vì mẹ cháu muốn cháu là chim và sẽ bay được thật cao
- Không phải đi học mà chim nó bay giỏi quá bác nhỉ?
- Bố Mẹ muốn cháu bay cao theo kiểu của bố cháu ấy cơ, thế nên mới bắt cháu chăm học .Bố cháu có chức vụ cao ,người ta cũng gọi là bay cao đấy ,nó nhìn tôi.
- Bác có bay cao không ? ,tôi cười lắc đầu ,
- Bác là bác gác cổng thì bay thế nào được
- Cháu cũng không bay được !
- Bây giờ cháu chưa bay ,lớn lên cháu sẽ bay, nó lắc đầu
- Không được đâu .Ai cũng bảo cháu dốt, tôi gạt đi
- Cháu không dốt, bác thấy cháu nói chuyện rất thông minh, nó buồn thiu lắc đầu,
- Bố cháu bảo ,ngày xưa bố khi nào cũng nhất, tôi gật đầu
- Bác biết…
- Mẹ cháu cũng bảo mẹ khi nào cũng nhất…,tôi lại gật
- Vậy à…?
- Giờ thì chị cháu khi nào cũng nhất ,ai cũng yêu chị cháu , không yêu cháu
- Không phải thế đâu ,cả nhà cháu ai cũng yêu cháu ,bác cũng yêu cháu
- Bố mẹ không yêu đâu! ,đi làm về nhìn thấy cháu chạy ra đón là quát ngay “đã thuộc bài chưa” “đã làm xong bài chưa” cháu sợ lắm ,không dám chơi đùa với chị khi có bố mẹ ở nhà
- Là bố mẹ muốn cháu giỏi hơn…, nó lắc đầu quả quyết
- Bố mẹ không yêu cháu .Tôi cho đó là suy nghĩ của trẻ con, rồi lớn lên nó sẽ nghĩ khác, nên cũng không mấy bận tâm ,hỏi nó thêm vài câu rồi về .Có điều từ hôm ấy tự nhiên tôi thấy mến thằng bé này ,có lẽ là do cách nói chuyện khôn trước tuổi và cách diễn giải suy nghĩ rất tự nhiên của nó ,từ đấy khi ngồi trực một mình buồn ,tôi lại hay gọi điện nói chuyện với nó ,cũng từ dạo ấy mấy tay bảo vệ hay than “Có thằng ở đâu đó hay gọi lầm số vào cơ quan mình ,nghe đổ chuông nhắc máy vừa a lô là nó cúp”,tôi biết thủ phạm chính là “nó” .
Tôi làm bảo vệ ở cái công ty đó khá lâu, lúc rảnh vưỡn năng vào thăm gia đình thằng bạn,vợ chồng hắn vưỡn rất quý tôi không hề phân biệt sang hèn (là tôi cảm nhận vậy) nhiều hôm hắn làm tiệc đãi đám khách, toàn bọn từ giám đốc công ty đổ lên cũng cứ kéo tôi vào dự ,nhìn lão bảo vệ ăn mặc lôi thôi ngồi đấy, bọn kia cứ tưởng là công an mật chui vào dò la tình hình nên đứa nào cũng nể tôi ra mặt. Một hôm tay giám đốc công ty tôi ghé phòng bảo vệ hoan hỉ báo cho biết là thằng bạn tôi đã được lên chức Phó tổng giám đốc công ty ,miệng cứ chầm chồ “Anh ấy là lãnh đạo mà thông thạo những mấy ngoại ngữ” rồi cô vợ xinh đẹp của hắn cũng được lên chức phó giám đốc công ty nơi cô nàng làm việc ,tôi xách túi quà đến chúc mừng cái việc “song hỷ lâm môn”ấy hắn vỗ vai ,
- Vẽ chuyện, với mày không cần khách sáo như thế, rồi hắn bảo vợ hắn nướng mấy con mực mở chai rượu tây cả ba cùng ngồi nhâm nhi ,nhấp hớp rượu khà một tiếng hắn lắc đầu cười
- Lên chức phó ăn nhằm gì ,có tiếng không có miếng ,ở dưới công ty “đầu gà hơn đuôi voi” sướng hơn mày ạ ,dưới đó làm ăn dễ, lên tổng gần lửa rát mặt, vướng lắm, họ đã gợi ý vài thằng nhưng chúng không nhận ,tao ngồi cái ghế giám đốc khá lâu rồi nên đành phải nhận ,là để nhường“ghế” cho bọn trẻ… ,vấn đề là phải “khéo”, làm phó nhưng mình nghiêm chỉnh không “tý sửu dần mão” ,bắt thóp được “Phốt” của ba thằng lãnh đạo khác là mình nói chúng nó phải nghe, cứ lấy đó làm bước tiến cái đã ,xác định vậy mới ăn “Tiền” ,có chút men rượu tôi hăng lên cứ gật đầu ừ ào đại ,mặc dù chẳng biết những cái “vướng” cái “rát”cái “đầu gà” cái “đuôi voi” cái “bắt thóp” cái “tý sửu dần mão” là cái ông thiên lôi gì ,hắn khoái chí làm thêm vài hớp rồi cười hề hề cao giọng,
- Tao vẫn kể với bà xã tao là tao được như ngày hôm nay cũng có công của thằng bạn thân là mày đấy, nghĩ là hắn lại sắp giở bài chính trị rằng “…đất nước ta được như ngày hôm nay là nhờ sự hi sinh của không biết bao nhiêu anh em chiến sĩ…” .tôi xua tay gạt đi
- Thôi đi mà, bát cháo tinh thần ấy tao ăn quá nhiều rồi ,đau bao tử lắm ,chỉ những thằng ngu nó mới nuốt hoài được thôi, hắn vỗ đùi cười há ..há..
- Cóc phải thế, tao nói khác “đếch”như báo đài vô tuyến đâu mà mày đau bao tử .chuyện là cái hồi mày bỏ học để đi bộ đội ấy ,ông già tao cứ thương mày tự dưng lao vào con đường thiệt thòi ,cụ chỉ cho tao thấy gia đình tao là công chức cũ ,tuy có theo cách mạng nhưng vưỡn thuộc thành phần giặt giẹo, cửa vào đại học hẹp lắm ,khó mà bon chen được với bọn mày ,mày vào lính, tự nhiên là tao thuận lợi hơn mày ,nghĩ tới khi mày về mà tao vưỡn thua mày thì ngượng lắm ,tao biết đây là cơ hội để tao vượt qua và bỏ xa mày, thế là tao lao vào học như điên chẳng cần phải ai đôn đốc nhắc nhở ,mấy bộ sách toán của ông già từ thời Pháp tao lôi ra tham khảo ,làm hết các bài tập ở đó ,là bắt chước cách suy luận của mày thôi ,dựa vào lô gich của ba cái công thức toán học mà đọc ra làu làu ,ông già hoảng, tưởng tao biết tiếng pháp ,kết quả thi đại học năm ấy điểm số của tao cao lắm, thừa tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài, nhưng lý lịch nhà tao không đạt nên phải học trong nước ,khi chúng mày từ chiến trường về ,thằng nào cũng công lao, thành tích đầy mình ,tao nghĩ đây là lúc chúng mày bay cao ,đùng một cái người ta bắt chước “Liên Xô” đề ra tiêu chuẩn cán bộ phải có bằng cấp thế là tao biết bọn mày hết thời rồi .Tôi thở dài
- Thôi cái số tao nó vậy, mà thế cũng đúng thôi ,thời chiến cần “võ dũng” thời bình cần “kiến tức trí tuệ” ,không lẽ “Liên Xô” nó làm vậy mà mình lại không làm theo ,hắn cười gật gù
- Đúng là lính có khác, kiên cường lắm có điều tao thấy bên ta làm vậy hơi vội “Liên Xô” nó trải qua 60 năm phát triển hòa bình mới làm thế…Ông già tao đúng ,chúng mày thiệt…, sự chia sẻ của thằng bạn làm tôi cảm động
- Mày thông cảm hoàn cảnh của tao thế, thật quý hóa, đúng là thằng bạn cố tri ,hiểu tao từ bé ,hắn nhe răng cười
- Mày nghĩ được thế là được ,tao nói vòng vo cốt là để mày thấy cái quan trọng của cái sự học, để mày lo cho con mày học hành thật chu đáo ,cho chúng nó khỏi thiệt thòi…,sự chuyển hướng câu chuyện làm tôi ngượng nghịu,vì thực ra tôi cũng chưa nghĩ tới việc này
- Ờ…ờ…phải…phải cho tụi nó học chứ… hắn trừng mắt nhìn tôi rồi xả một tràng
- Phải cái con tườu ! Nhìn cái mặt như bò đội nón kia là tao biết mày vẫn còn nhiều máu tài tử lắm, phải nghiêm túc vào , nghiêm túc, và nghiêm túc ,muốn làm được việc gì đó cho ra hồn thì phải nghiêm túc ,việc học của con trẻ cũng vậy phải nghiêm túc với chúng ngay từ đầu, học tức là phải đổ mồ hôi, không phải cuộc dạo chơi phù phiếm .Quả thực khi đó con nhỏ nhà tôi còn bé tí, tôi chưa quan tâm vấn đề này nhưng tôi lại đang có ý định khuyên hắn đừng bắt thằng “Bồ Câu” học quá gắt gao nên tôi cãi phăng
- Mày nói thế nào ấy chứ , ông “thủ tướng Đồng” ông ấy bảo là hướng giáo dục cho trẻ con là phải “Học mà chơi, chơi mà học”cơ mà ,tao thấy mày bắt thằng “Bồ Câu” nhà mày học thế là quá khắt khe ,trẻ con chúng nó phải có tuổi thơ, chúng phải được chơi chứ .Hắn lại vỗ đùi cười khoái trá
- Há..Há…Thế mà mày cũng nghe ông ấy à? Đời mày chưa đủ trải nghiệm hay sao .Việc này ông ấy nói là bắt chước theo bọn tây “Tư Bản”, còn ta đang theo đường lối tây “Liên Xô” .Bên tư bản nó sống bằng thị trường ,nó tự do cạnh tranh ,hay dở bày ra, được cả cộng đồng đánh giá ,đứa nào làm ăn xí xớn là thất bại ngay, có hàng trăm thằng khác sẵn sàng nhảy vào lấy mất bát cơm. Cuộc sống tự nhiên hàng ngày, dạy chúng nó phải nghiêm túc cố gắng mà làm việc ,còn bên ta làm ăn kiểu kế hoạch hóa Xã Hội Chủ Nghĩa ,nhuộm nhoạm thế nào cũng xong, miễn là được thằng cấp trên nó công nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ , thế là có thành tích, thế là được khen ,được thưởng ,mà để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đếch cần dựa vào việc có hoàn thành nhiệm vụ thật hay không, chỉ cần “Khôn khéo” một chút thì: việc công, tài sản chung, tiền chùa, chúng nó nhắm mắt ký đại cho ngay ý mà, nếu không có thói quen nghiêm túc thì càng làm việc lâu, càng trở nên quan liêu ,càng ích kỷ vô trách nhiệm, trước là trong công việc, sau lây sang cả quan hệ bạn bè và người thân trong gia đình ,chỉ giỏi mỗi cách lươn lẹo nịnh trên ,nạt dưới ,xun xoe ba thằng làm to ,khoe thành tích láo, vơ vét cho nặng túi, trau dồi các kiểu kỹ năng chối tội, đổ thừa khuyết điểm cho khách quan, cho người khác .Tao muốn dạy thằng con tao thành người chân chính, nên tao bắt nó học ,cả văn hóa và cả thái độ nghiêm túc với công việc. Mày là thằng bạn tốt của tao, tao cũng muốn con mày thành người tốt. Hắn nói nghe có lý ,đúng là cách nhìn của một thằng có học ,điều đó làm tôi ngây mặt ra và như một sự ngụy biện, tôi tự cho là tôi không đủ trình độ để thuyết phục hắn tức là bố nó trong cái việc nới lỏng việc quản lý thời gian học hành cho thằng con nó. Tôi đành bội ước với thằng “Bồ Câu”.
Người xứ mình cứ hay nhìn tương lai theo một đường thẳng tắp ,với tấm lòng tràn đầy tham vọng để mà toan tính xắp đặt đường đi nước bước thật là dài cho đời mình, rồi đến đời con sang đời cháu. Có lẽ tại cái triết lý “Thiên bất biến ,đạo bất biến” của Khổng Giáo đã ăn quá sâu vào óc tim phèo phổi , gượng gạo với cái niềm tin cứng như bị đổ bằng bê tông mác thấp ,cứng nhưng dễ vỡ ,mà khi đã vỡ ra ,bọn dọn rác chúng cũng không thể đổ đi cho được ,nó tạo thành một thứ vừa bầy hày vừa dơ bẩn bám mãi vào tâm hồn ,làm cho người ta cứ hay bị bất ngờ .Đại để về cái lớn thì bất ngờ quá, thằng Liên Xô nó có tàu vũ trụ, có cả đống bom nguyên tử đang mạnh là thế mà sao lại xụp đổ nhỉ, rồi lại thì bất ngở quá gió đông đang thổi bạt gió tây ,3 dòng thác cách mạng đang ào ào xốc tới mà tự nhiên lại tan rã nhỉ. Nó đổ nó tan thì người ta đổi mới .Nói là đổi mới thực ra là quay lại những cái cũ kỹ trước đây ,cái thứ đã từng bị người ta chôn vùi không thương tiếc được moi lên dùng lại.Thế mà nhờ nó có đủ gạo ăn, nhờ nó hàng hóa nhiều lên, nhờ nó người ta không phải dùng tem phiếu mua hàng nữa ,nhờ nó đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Chết nỗi là những cái cũ kỹ ấy người ta lại không dám dùng hết, chỉ được có vài cái thôi, thế nên nó tạo ra cái sự râu ông nọ cắm cằm bà kia làm nảy ra bao nhiêu là điều quái dị ,toàn những thứ vô phương phòng ngừa ,thằng bạn tôi đương nhiên dính vào vấn nạn đó .Sau cái “đổi mới” hắn giàu lên nhanh lắm, là giàu so với hồi ấy thôi, so bọn bây giờ chỉ bằng cái tép ,một hôm tôi đang còng lưng trên cái xe đạp cà xịch cà tàng vẹo vọ về nhà ,bất ngờ hắn lướt nhẹ cái “Kim vàng giọt lệ”tới sát cạnh hỏi vài câu xã giao… ,(thì mình phải thế nào mới bất ngờ chứ…), hôm khác , đang hổn hển đèo bà xã ra chợ ,lại bất ngờ hắn gí cái “Hoàng tử đen” sát bên cổ vũ “cố lên”… (mình phải thế nào mới bất ngờ nữa chứ…), một thời gian sau hắn mua được mảnh đất khoảng 100 m2 ven hồ xây được cái nhà 2 tầng, hắn tự thiết kế lấy vì hồi ấy chưa có bọn kiến trúc thiết kế thuê như giờ. Học ngành buôn bán, đi thiết kế nhà nên dở ẹc, xây lên nhìn nó giống cái chuồng chim bồ câu ,nhưng hồi ấy thế là oai lắm, toàn ở nhà thuê của nhà nước, làm gì có ai có tiền mà làm nhà, nhất là nhà hai tầng, tôi đến mừng tân gia. Thằng “bồ câu” thích lắm nó kéo đi xem hết phòng này đến phòng kia ,nhà chia nhiều phòng nên diện tích từng phòng cũng nhỏ, tôi đồ chừng phòng lớn nhất cũng chỉ 9 ,10 mét vuông, phòng nào cũng trống hoác chẳng có mốc gì bày trong đó ,hết các phòng ,nó lôi lên sân thượng bố nó cũng lên cùng, nhón chân trên chiếc cầu thang hẹp chui qua cửa tum là tới ,gió hồ thổi vào mát rượi không vương chút bụi, nhìn sóng nước lấp lánh nơi mặt hồ trải rộng ra tít tắp ,tôi xuýt xoa,
- Sân này đêm hè ra ngồi mát, ngắm trăng thì tuyệt vời lắm , thằng bố ưỡn ngực hãnh diện, thằng con nắm tay tôi ríu rít
- Bác ơi “Bồ câu” bay lên từ đây tốt lắm bác nhỉ ,tôi lắc lắc tay nó tán thành
- Đúng rồi cháu cố học cho giỏi, giành thật nhiều điểm mười ,thì từ ngôi nhà này cháu sẽ bay lên rất cao ,cao hơn cả bố đấy ,thằng bố vuốt tóc con
- Con bố mà lị ! ,mặt thằng bố tươi lên mãn nguyện kéo thằng con sát vào lòng mình, rất hiếm khi bắt gặp cảnh bố con nhà họ âu yếm nhau… .
Từ ngày hắn chuyển sang nơi ở mới tôi ít gặp thằng “Bồ câu”vì nhà nó ở xa nơi tôi làm ,hình như khi đấy người ta đã bỏ chế độ bao cấp điện thoại nhà riêng cho cán bộ ,nên không thấy nó gọi tới ,lâu lâu thường là cả tháng mới tạt vào thăm thằng bạn một lần .Không phải vì tình cảm của tôi nhạt đi, mà là ngại mấy thằng đồng nghiệp ,sợ chúng cho rằng tôi nương bóng thằng bạn làm lớn nên dù xa vẫn năng đi lại nịnh bợ .Thấm thoắt mấy năm trời, thằng bồ câu lớn trông thấy và chị em nó vẫn học giỏi ,con chị thi đại học đạt điểm cao được ra nước ngoài học ,bố con nó vẫn rất quý tôi những lần tới thăm nhà, thằng “Bồ Câu” luôn là người đầu tiên chạy ra đón ,mẹ nó hay trêu tôi
- Gớm ! nó thích bác hơn cả bố nó ,thôi! mau về bảo bà xã đẻ cho thằng con trai đi, chắc nó cũng sẽ quý anh lắm!.. ,phải mấy năm sau bà xã tôi mới sinh đứa thứ hai ,vưỡn là con gái!!, Thế mới biết rất nhiều điều những người thân muốn đưa lại cho nhau mà đời nó cứ run rủi sao đó khiến cho không có được… . Rồi thằng “Bồ Câu” vào học cấp ba (theo hệ thống giáo dục thời bấy giờ),và lòng tôi luôn tâm niệm gia đình thằng bạn sẽ an lành hạnh phúc đến trọn đời và thằng “Bồ câu” thông minh mà tôi rất mến ấy sẽ nhanh đến ngày được bay thật cao… .
Một hôm đang ngồi trực cổng ,tay giám đốc đi công chuyện về tạt qua, với vẻ mặt nghiêm trọng thì thầm cho hay ,thằng bạn tôi đang bị điều tra về tội “tham ô” (hồi đó chưa gọi tham nhũng như giờ) và khuyên tôi có thời gian nên ghé qua nhà hắn xem sự thể ra sao, tôi choáng váng như chính tôi đang bị điều tra ,sự phản bác đến rất tự nhiên ,không thể! không thể nào ??, thằng bạn tôi là người rất tử tế ,được giáo dục trong gia đình mô phạm ,rất bài bản ,bản tính hắn lại rất nhát nữa, hắn không thể tham ô, không dám tham ô…,nhớ hồi còn đi học một lần hai đứa nhìn thấy tờ 5 hào (đơn vị tiền hồi đó) rơi ở lề đường ,hắn không dám nhặt ,tôi nhặt lên mua được hai cây kem đưa hắn một ,hắn lắc đầu quầy quậy ,thuyết phục hồi lâu mới ăn , giờ sinh hoạt lớp cuối tuần hắn đứng lên xin nhận khuyết điểm làm tôi ngượng tím mặt ,khi hiểu ra chuyện nhiều tiếng cười khoái trá ồ lên như được nghe truyện hài .
Tan ca trực hôm đó tôi vội qua nhà hắn, nhà cửa vắng hoe, vợ nó đã đưa thằng bồ câu về quê .Ngồi co hai chân lên bộ ghế đẹp nhìn tôi trân tân ,không để hắn phản ứng tôi hỏi dồn dập
- Không phải thế, họ nhầm ,chắc chắn họ nhầm rồi, đúng không mày ? vòng hai tay ôm đầu gối mắt nhìn xa vô định nó thều thào
- Họ không nhầm…,là tao nhầm …,tôi choáng như vừa bị té ngã
- Sao lại thế được? Tao thấy xưa nay mày có tiếng là người tử tế kia mà ,hay là trong công ty với cái đám đối tác có đứa nó chơi xỏ mày !!??...
- Chúng tao vẫn coi thương trường là chiến trường… ,cái việc chơi xỏ, gài bẫy là chuyện vặt không hạ được tao đâu…, tao chết vì lòng tin…, tao quá tin tưởng ở người ta. Mất hết kiềm chế tôi đập tay xuống bàn
- Sao mày lại cả tin vớ vẩn để đến nỗi này !!.. hắn lắc đầu rồi thở dài ngao ngán
- Không có niềm tin thì chẳng làm được việc gì! Ngày xưa tụi mày vác súng đạn đi đánh nhau, cũng phải có niềm tin chứ, thằng lính ít nhất cũng phải tin thằng chỉ huy thì mới dám xông lên đánh trận, Chúng tao ôm tiền nhảy vào thị trường cũng phải có niềm tin ,có điều…thôi nói mày cũng không hiểu…mày đã làm kinh doanh khi nào đâu…,tôi cố vỗ về an ủi thằng bạn
- Thôi đã chót vậy thì bán nhà bán đất đi mà bù vào số tiền mày lấy ấy ,may ra người ta tha cho…,hắn cười mặt méo như khóc
- Chỗ nhà đất này ăn thua gì, chục cái như vậy chưa chắc đủ…, tôi xuống giọng thất vọng
- Thế mày lấy tiền của người ta đem ăn tiêu kiểu gì mà hao nhiều vậy, có giấu ở đâu thì bỏ ra ,rồi bán ít đồ đi mà bù thêm vào ,thoát tội cái đã, rồi tính sau
- Nhưng tao có đươc bao nhiêu đâu mà bỏ ra trả, tao đã làm tường trình khai báo hết rồi nhưng không có bằng cứ ,số tiền hao đó là tiền tao cho mấy thằng đem đi bôi trơn…
- Cái gì mà bôi trơn…
- Đã bảo mày có làm kinh doanh gì đâu mà biết !!…
- Tao biết chứ, những ngày trong quân đội tao cũng mày mò học hỏi được ít nhiều kiến thức về làm kinh tế, chỉ riêng cái môn bôi trơn của mày thì đúng là tao chưa thông hiểu thôi ,hắn buồn bã giảng giải
- Ba cái bài mày học trong quân đội có là cái gì đâu, toàn là từ những mớ lý thuyết suông tưởng tượng ra hết ,nếu đúng được vậy thì thế giới này “cộng sản chủ nghĩa” lâu rồi, “đại đồng” lâu rồi, làm ăn trong cuộc sống thực nó khác lắm. Tôi thở dài ái ngại
- Tao không thể nghĩ được là một thằng bạn tốt như mày, một đứa thông minh, được bảo ban cẩn thận từ nhỏ như mày lai rơi vào cảnh này, mày đang có một gia đình hạnh phúc, có những đứa con rất ngoan kia mà?hắn cúi mặt nhìn xuống hai bàn chân nói giọng run run như muốn khóc,
- Là cái giá phải trả cho sự mù quáng của tao thôi. Mày biết không ,thời chúng mày đi oánh nhau, nó có đối trọng đó là những người bên kia chiến tuyến, quyền lợi chẳng có là bao nhưng gian khổ, chết choc lúc nào cũng bầy đầy ra trước mắt thế nên có không ưa, người ta vẫn phải đùm bọc nhau, bảo vệ nhau, vì có thêm một thằng là có thêm một người để mà chia lửa, xẻ bớt đạn bom, chia xẻ khổ đau chết choc, người được tung hô nhiều nhất hồi đó là những thằng không sợ chết, dám xông pha, nhận phần lửa đạn thay cho họ, còn bi giờ trước mặt người ta chỉ có tiền tài, danh vọng ,bổng cao, lộc nhiều, quan hệ nó khác đi nhiều lắm, người được tung hô tin tưởng là người mang về cho họ nhiều tiền, nhiều lộc lá, tạo cho họ con đường danh vọng thênh thang, từ đời cha sang đời con, còn thực tế bọn đó có làm được việc hay không không thành vấn đề. Kiếm công việc, xin dự án mà phải măc cả với nhau như đi chợ, quyết định giao việc dựa trên số tiền thu vào túi chứ không dựa vào khả năng nó có làm được hay không vì nếu có tổn thất thì đó là của công, chả mất của riêng thằng nào, còn tiền vào túi là của riêng, nó dựng lên cái nền giầu sang cho họ rồi rồi cho con cháu họ. Tiền nó làm quan hệ giữa người ta với nhau thay đổi quá nhanh, ngoài mặt thì nịnh nọt ,sau lưng khinh nhau như mẻ, nói bên ngoài là những lời ngon ngọt, nhưng trong bụng nguyền rủa nhau như rủa loài vật, liên kết với nhau bằng quan hệ “đồng bọn”, niềm kiêu hãnh duy nhất là “Tao ăn nhưng chưa bị lộ” tháng ngày phấp phỏng, lo sợ lúc phải trả giá dến mất ăn, mất ngủ, thế là lại lao vào sống gấp, ăn chơi sa đọa, bồ bịch linh tinh ,về nhà giả dối luôn trong quan hệ vợ chồng con cái, tao đã tiên liệu cả mà vẫn không thoát được, với cái kiểu làm ăn có quá nhiều rào cản, thằng nào thích là có thể chặn mình lại được ngay, muốn trót lọt là phải có lót tay bôi trơn, ăn chia với rất nhiều cửa. Tại mình, tại người, tại cái công việc mình tham gia vào nó phải thế .Móc ngoặc với nhau cùng khoét vào cái khối tài sản công hứu ấy làm giàu dễ quá ,thời gian giàu lên quá nhanh, những cái đàu óc tiểu nông lại không thích ứng được với việc đó. Cố xoay sở kiếm được nhiều tiền ,cố làm cho tiền đẻ ra tiền, vòng quay đến chóng mặt không còn phân biệt được đúng sai, bất chấp cả việc phạm pháp, khi được tiền thì đồng cấp cổ xúy lẫn nhau, cấp trên cổ súy cho cấp dưới. Tao làm bậy thế mà được thưởng cả huân chương lao động đấy, giấy khen thì vô số không kể hết. Liên tục các cuộc đãi đằng với các kiểu ăn chơi xa đọa vượt quá mức xa hoa phù phiếm, lồ lộ trong mắt thiên hạ ai mà không biết .Khi dư luận lên án quá nhiều thì người ta phải tìm kẻ chịu trách nhiệm. thế là tao bị truy cứu ,tao phải làm liều thuốc giảm đau cho vụ này ,những thằng thay tao không khá hơn tao đâu, khối thằng còn làm bậy hơn tao ấy chứ. Chợt hắn buông tiếng thở dài não nuột
- Tao hỏng rồi mày ạ ! Đời tao thế là hỏng hẳn rồi. Làm kinh tế Quốc doanh trong thời buổi này không hỏng người đi mới lạ, cái việc làm ăn này nó không hợp với tính cách của tao. Hồi chúng mình còn đi học, tao cứ mơ sau này được làm thày giáo ,được đứng trên bục giảng, trước mặt là lũ học sinh tròn mắt lắng nghe. Nhưng rồi khi biết được đồng lương nhà giáo là quá bèo bọt, tiêu chuẩn tem phiếu thuộc loại thấp nhất xã hội, trong khi mấy đứa chỉ là nhân viên bán hàng ngành thương nghiệp vớ vẩn lại rất giàu có sung sướng, thế là tao lao vào ngành này, lao vào nó mà chả có chút cảm tình nào ,mục đích duy nhất tao hướng tới là được giàu có, để vợ con sau này được mở mặt với đời. Tao đã làm quá nhiều việc bậy bạ, đút lót, biếu xén, gian manh chia chác ăn chặn tiền không phải của mình, tao bị trừng phạt, bị đi tù là đáng thôi, nói điều này để mày thấy tao vẫn còn một chút là con người, lòng tao cũng thấy có chút thanh thản, ít nhất là với thằng bạn như mày, điều tao lo bây giờ là thằng “Bồ Câu”, nó sẽ bị khủng hoảng tâm lý ghê lắm, nó rất quý và tin tưởng mày, tao nhờ mày sau này thỉnh thoảng đến động viên nó, cho nó học hành được đến nơi đến chốn, được vậy dẫu có chết tao vẫn nhớ ơn mày… . Tôi thấy hoảng khi nghe thằng bạn nói như trăng chối, liền gạt phắt.
- Vớ vẩn, sao lại nói đến cái chết ở đây, nếu bị tù chắc cũng chỉ vài năm, rồi mày lại được về với thằng “Bồ câu” ngay thôi mà ,thời gian trôi nhanh lắm, hồi tao đi lính, cũng không biết khi nào về, thế mà loáng một cái, đã mười mấy năm trời… . Vẫn để tầm mắt nơi chân trời xa tắp, hắn lơ đễnh đáp

- Nhưng hồi ấy tụi mày cũng có khối thằng không về…, cho là do khủng hoảng tâm lý nên thằng bạn thành ra nghĩ quẩn nên tôi cũng chỉ tìm cách an ủi vỗ về mấy câu, rất sách vở, đại loại là: “mày cứ yên tâm chính sách nhà nước nhân đạo, khoan hồng, người ta chỉ đánh kẻ ngoan cố không chịu khai báo, còn mày đã khai báo đầy đủ, chắc mức án cũng nhẹ thôi, có khi được hưởng án treo không biết chừng”Rồi thì là “khi xét án người ta còn chiếu cố công lao thành tích của mày nữa chứ, mày được bao nhiêu là bằng khen với cả huân chương lao động nữa cơ mà…” hắn vẫn nhìn lơ ra xa không nói gì, tôi vỗ về thêm vài câu rồi về. Đúng ra chẳng có việc gì phải vội như thế, tôi hoàn toàn thừa thời gian để ngồi chia sẻ, an ủi thằng bạn thân nhiều hơn, lâu hơn, nhưng mà tôi sợ . Sợ bị liên lụy, sợ ngồi lâu với thằng bạn có tội sẽ bị người ta nghi ngờ cho mình là kẻ đồng lõa, là tay chân của nó, tự nhiên tôi cảm thấy có hàng trăm cặp mắt từ đâu đó đang săm soi nhìn vào, tôi cho là cái danh dự mà thằng tôi đã phải mất bao công lao kể cả việc có thể hy sinh xương máu mới tạo dựng được sẽ bị bôi nhọ nếu ngồi lâu với nó.Tôi thu mình lại một cách hết sức vô trách nhiệm. Phiên tòa sử nó mấy tuần sau đó tôi cũng không dám đến .Hỡi ôi, cứ tự vỗ ngực tưởng là mình từng xông pha bom đạn, đi qua cái chết thì không còn biết sợ thứ gì nữa, hóa ra là sai bét hết. Tôi còn sợ quá nhiều thứ, nhiều cái rất tầm phào, tệ hại. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét