Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Đã chết trong tôi một mối tình

   
        Đã có một thời gian nhiều người cứ bảo tôi là người có tư tưởng thân Trung Quốc, có thể thế thật vì tôi có biết một số bạn người Trung Quốc và có một thời gian khá dài tôi rất ngưỡng mộ đất nước Trung Hoa hùng vĩ .Với tôi một người thân với nước này hay nước kia là bình thường, tôi có anh bạn rất thích Liên Xô cũ, Lại có anh bạn rất thích nước Mỹ hoặc một người nào đó thích một nước nào đó có gì lạ đâu ạ. Mãi bên nước Mỹ giàu có xa sôi mà còn có người thích Trung Quốc, thân Trung Quốc, thì ở Việt Nam, một nước nghèo, lại là láng giềng kề cận có người thích Trung Quốc phỏng có gì lạ .Chỉ cần anh xác định được anh là người Việt Nam đang sống trên đất Việt Nam là được .
           Tôi sinh ra và lớn lên nơi thủ đô gió ngàn chiến khu Việt Bắc, từ nhỏ đã sống chung với toàn người phe ta, đa phần là cán bộ, bộ đội. Nứt mắt ra đã được nghe người lớn nói Liên Xô,Trung quốc cùng phe với ta, lãnh tụ các nước đó cũng là lãnh tụ của ta . Hội trường cơ quan tuy mái lá đơn sơ nhưng bên trong bao giờ cũng treo đủ một loạt ảnh lãnh tụ. Hàng trên có năm ông người nước ngoài tên khó gọi nên bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi là: 2 ông râu xồm, ông hói đầu, ông râu ngạnh trê, ông mụn ruồi ,hàng dưới là cụ Hồ, cụ Tôn đức Thắng cụ Trường Chinh cụ Hoàng quốc Việt cụ Võ nguyên Giáp .Thời chiến tranh người ta thường thích hát, cũng giống phong trào tiếng hát át tiếng bom thời đánh Mỹ .Tôi được các anh bộ đội, các bác cán bộ dạy cho rất nhiều bài hát, hồi ấy chưa phân biệt nhạc vàng ,nhạc đỏ, nhạc xanh như giờ, ai có bài là hát ,là dạy cho người khác, tùm lum tất cả đủ các loại thoải mái mà không bị nâng quan điểm. Trong số đó có khá nhiều bài hát nước ngoài có cả một số bài hát trung quốc, đầu tiên phải kể là bài “Kết đoàn” và bài “ca ngơi sông hoàng hà” của Nhiếp Nhĩ.Tôi thuộc cả lời Việt lẫn lời Trung mỗi lần hát “Thoan chiể chiu sư lý lieng, thoan chiể chíu sư thiể cang...”hoặc là “Phung chai sầu..Pha chai seo... Hoang hửa chai pao seo...” bọn trẻ con phục tôi đến lác mắt. Cuộc sống ngoài chiến khu không hề buồn tẻ, cán bộ đi công tác, bộ đội hành quân, chuyển quân, dân công đi phục vụ hỏa tuyến rất tấp nập ,họ hay nghủ nhờ nhà dân, rồi những người cùng tản cư đi thăm nhau, thăm bạn bè, thăm họ hàng, đồng hương, tình nghĩa giữa người với người thắm thiết lắm và cứ mỗi dịp có cán bộ, bộ đội ghé vào bọn trẻ con lại đòi dạy bài hát mới, mấy đứa con gái còn đòi dạy múa . Đặc biệt vào khoảng cuối năm 1952, đầu 1953 hàng đoàn dân công kéo tới, người ta mở rộng con đường qua lối ngõ nhà tôi, khi những chiếc ô tô bắt đầu lăn bánh qua, bọn trẻ con lần nào cũng hối hả chạy ra, vừa ngửi khói xăng vừa xem vết xe ô tô, một lần có chiếc xe đi qua, do đường xóc họ đánh rơi một cái chậu men và một chiếc khăn bông trắng nuốt, dân kháng chiến tuy rất nghèo, nhưng không tham họ gửi các đồ này cho bà chủ quán hàng ven đường, chờ người làm rơi những đồ này đến tìm thì trả, hôm sau có anh bộ đội đến xin lại ,anh bảo đây là đồ của chuyên gia Trung Quốc, chuyên gia gì chẳng biết. Khoảng cuối năm 1953 đầu năm 1954 ta chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ bộ đôi qua lại càng đông, giặc đánh phá cũng ác liệt hơn, chiều chiều ngồi trên ngọn đồi cao nhìn những chiếc “Giong ke” những chiếc “bê vanh sít” nhào xuống nơi dân công đang làm đường thả những trái bom phản chiếu nắng chiều lấp lánh tiếp đấy là những tiếng nổ rung trời chuyển đất, khói trùm kín cả vùng núi, bọn trẻ chúng tôi vẫn ung dung ngồi xem ,tôi còn ngâm nga khe khẽ bài hát “ca ngợi nhị lang sơn” mấy anh bộ đội vừa mới dậy cho “Đây bao núi non hùng tráng suối khe ngăn bước đường xa vời…”.Nhà tôi có ông anh họ đi chiến dịch ghé chơi, anh khoe vừa được học một khóa ở trường sĩ quan Trần quốc Tuấn, trường của quân đội ta nhưng đóng nhờ bên trung quốc, bây giừ về tham gia chiến dịch ,anh cho chúng tôi quà là một lô ảnh Mao chủ Tịch kèm theo mấy viên kẹo bạc hà cay xé họng. Ta đánh thắng Điện Biên Phủ nhưng hiệp đinh “giơ ne vơ”lúc ấy vẫn chưa được ký ,máy bay giăc vẫn lên đánh phá vùng căn cứ cách mạng, một hôm có hai chiếc “Hen Cát”bay ngang qua khu nhà tôi bỗng nghe nổ chát chúa trên trời ,pháo cao xạ của ta bắn máy bay ,đây là lần đầu tiên tôi thấy pháo cao xạ bắn máy bay, những cụm khói n tóe xung quanh hai chiếc máy bay chúng nó lắc lư tránh đạn nhưng không kịp, một chiếc bốc cháy rơi xuống gần thị trấn “Gia Sàng” chiếc còn lại chạy thẳng về xuôi, hôm sau lại một chiếc nữa bị bắn rơi ở nơi có địa danh là “Bờ Đậu” lần cuối cùng tôi nhìn thấy là một chiếc “đa cô ta” bị bắn hỏng một bên đông cơ rền rĩ cố lết về Hà Nội bằng chiếc động cơ còn lại, mấy người lớn cứ kháo với nhau, “Toàn súng Liên Xô với Trung quốc nên bắn là trúng ngay” thực ra có lẽ hồi ấy Pháp chỉ dùng máy bay cánh quạt, tốc độ chậm nên bắn dễ trúng thôi, sau này thời đánh Mỹ ,máy bay phản lực tốc độ cao, tôi cũng từng bắn cao xạ, có trận bắn như đổ đạn, cóc trúng . Sau ngày ta tiếp quản thủ đô gia đình tôi về Hà nội, tôi được tham gia ngay vào đội thiếu niên nhi đồng suốt ngày gõ trống ếch đi cổ động cho cải cách ruộng đất, tối về lại tập trung nhảy múa hát hò ,anh cán bộ cải cách dạy chúng tôi hát “Kính dâng ông Ma len Cốp Bác Mao Trạch Đông Bác Hồ Chí Minh đôi chim hòa bình Xinh xinh xinh...”rồi các anh bảo ta phải học theo Liên Xô, Trung Quốc phóng tay phát động quần chúng đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác lấy ruộng đất về cho nông dân. Các anh còn dạy thêm cho bài hát không biết của ông nhạc sĩ nào sáng tác có câu mở đầu là “nhân dân Trung Quốc đang ngăn sông Hoài, đời ta nước không cuốn đi như ngày xưa...”.và kết thúc bằng câu “...phóng tay phát động, ta lấy ruộng đất về cày cấy tăng gia “ nói hơi nhiều đến bài hát vì lúc ấy tôi còn là trẻ con rất thích hát và nhớ rất lâu những bài hát này . Truyện cải cách ruộng đất còn nhiều điều thú vị lắm nhưng sẽ kể vào dịp khác. Tôi cũng đi học như những đứa trẻ con khác, ở chiến khu tôi đã học lớp 2 theo chương trình ngoài đó là tính từ lớp 1 lên lớp 2 rồi lớp 3 lớp 4, Hà nội hồi ấy vẫn dạy theo chương trình cũ từ lớp đệ ngũ lên đệ tứ,lên đệ tam rồi đệ nhị đệ nhất ,tôi quay lại học từ đầu thế là tụt xuống một lớp cộng với cái lớp 2 đang học giở coi như bị lưu ban thế là tôi bị chậm hai lớp ,suốt thời đi học tôi làm học sinh lớn tuổi, trước không để ý, lên đến cấp 3 mới phát hiện ra mình luôn hơn những đứa cùng học từ 1 đến 2 tuổi ,cũng có thể vì nhiều tuổi hơn nên các sự kiện tôi thường nhớ kỹ hơn tụi bạn cùng lớp, năm Mỹ bắt đầu đánh phá miền bắc phong trào chống mỹ diễn ra rất xôi động. Đợt ấy Thành đoàn Hà Nội tổ chức biểu dương lực lượng của thanh niên tất cả các trường cấp 3,chúng tôi vác gậy đi khắp Hà nội hô khẩu hiệu vang trời ,về khuya giải tán dần, còn hai trường bám trụ lại sau cùng, chúng tôi hô khẩu hiệu, họ cũng hô khẩu hiệu mà họ hô to hơn bọn tôi nhiều, làm quen mới biết đấy là học sinh trường trung học trung hoa, đây là trường giành riêng cho con em Hoa kiều ở Hà Nội được nhà nước Trung Quốc bảo trợ, lúc chia tay thật là lưu luyến chúng tôi hô “Tạm biệt các bạn trường Trung Hoa” họ hô đáp lại “Tạm biệt các ban trường X...X..” đối đáp nhau suốt cả khu phố dài tôi bỗng thấy yêu mến những bạn người Hoa nơi đây nhiều lắm.
          Phong trào 3 sẵn sàng phát động rầm rộ khắp nơi, Tôi và các bạn tôi lần lượt nhập ngũ,duyên phận đưa đẩy tôi được sang Trung Quốc đào tạo, đúng vào thời kỳ ở đây người ta bắt đầu làm cách mạng văn hóa vô sản. Các trường học, trường đại học và chuyên nghiệp đều bị đóng cửa ,học sinh, sinh viên người nước ngoài bị trả về nước, riêng với Việt nam chỉ sinh viên các ngành dân sự phải về còn học viên quân sự vẫn tiếp tục được nhận đào tạo. Họ bảo đấy là hành động thiết thực giúp Việt nam đánh Mỹ. “Các bạn quân giài phóng”(hồi ấy gọi như vậy) đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt với tinh thần như họ nói là noi theo gương “Bạch cầu Ân” (một bác sĩ người Ý từng đến giúp cách mạng Trung Quốc và chết ở đây). Những cuộc tiếp xúc chan hòa lời hay ý đẹp như “Hoan nghênh các bạn từ tiền tuyến lớn về trong lòng hậu phương lớn”, “tình hữu nghị giữa hai nươc chúng ta là mãi mãi xanh tươi,đời đời bền vững” “tình đoàn kết sâu nặng giữa hai nước là lão bất khả phá” , “quan hệ giữa chúng ta khăng khít như môi với răng””các bạn về trên đất nước trung quốc là như về nhà mình vậy”. Tôi mơ màng trong cái không khí mênh mông tình hữu nghị, tình anh em thắm thiết, ăm ắp tấm lòng quốc tế vô sản cao cả ấy. nhưng rồi trấn tĩnh lại đánh giá thì sẽ thấy có điều gì đó không ổn, hình như một tay bắt tay với ta, tay kia họ phải lo đỡ đòn,lo đánh lại đồng chí, bạn bè,người thân của chính nước họ. Cách mạng văn hóa vào cao trào, thanh niên học sinh, sinh viên, nghỉ học đeo băng đỏ hồng vệ binh tay cầm chước tác Mao chủ Tịch đi xâu chuỗi từng đoàn, từng đoàn nườm nượp ngoài đường ,suốt ngày tiếng hô đả đảo người này đả đảo người kia vang lên không ngớt ,chứng kiến nhiều lần hàng chục người đầu đội mũ cao (làm bằng giấy cuộn như sâu kèn) ngực đeo biển ghi tên  những tội phạm phải bị dẫn đi bêu giếu ngoài đường rồi bị đấu tố ,tôi bâng khuâng liên hệ: toàn đồng chí với nhau, toàn những người từng cùng nhau vào sống ra chết kề vai sát cánh bên nhau đến gần trọn đời mà họ đánh không thương tiếc thì quan hệ giữa ta và họ lâu dài sẽ ra sao nhỉ, ấy là thoáng nghĩ vậy, là thằng lính nỗi lo hoàn thành nhiệm vụ học tập chiếm hết thời gian không còn chỗ để nghĩ linh tinh. Sau một thời gian gấp rút đào tạo chúng tôi mãn khóa về nước nhận nhiệm vụ mới, bỏ lại sau lưng một Trung Quốc hỗn loạn lộn xộn nhếch nhác, Chúng tôi được bố trí lại công tác một số vẫn theo nghề được đào tạo, một số chuyển sang đơn vị khác. Tôi say mê trong nhiệm vụ mới cho tới ngày kết thúc chiến tranh. Sau một vài năm tình hình ổn định, tôi cũng như nhiều người lính được điều chuyển sang làm kinh tế, trong hoàn cảnh đất nước bị tàn phá nặng nề ,rồi những tin về tội ác của bọn Pôn pốt  từ biên giới tây nam đưa về ngày càng dồn dập, báo trí liên tục đăng bài tin và những hình ảnh về tội ác của chúng .Thông tin nội bộ, đài báo nước ngoài đều đăng tin :chính Trung Quốc là kẻ đứng sau chống lưng cung cấp vũ khí cho tập đoàn “pôn pốt để chúng sang bắn giết dân ta đưa ra những yêu sách về lãnh thổ hết sức vô lý, cùng lúc đó biên giới phía bắc cũng bắt đầu những vụ cướp đất, đào cột mộc biên giới gây bức xúc dư luận, điều làm tôi băn khoăn là hồi ấy hai nước cùng đang còn trong chế độ bao cấp, chưa có dịch vụ du lịch như giờ, biên giới nghèo và vắng hoe vắng hoắt, bên ta đa phần là đi núi đất còn lác đác có người ở, phía họ hầu hết núi đá, rất ít dân cư, chỉ có các điểm đơn vị quân đội biên phòng đóng giữ, cỏ lau ngút ngàn thế thì người dân tranh chấp làm cái gì?,va chạm ngày nghiêm trọng từ đánh tay không sang gậy gộc, gạch đá rồi đến dao quắm, Liệt sĩ Lê dình Chinh bị phía Trung Quốc dùng dao quắm chém hy sinh làm dư luận sôi sục, mấy đứa bạn đồng ngũ ngày trước thì thầm,”ta với Trung Quốc đánh nhau đễn nơi rồi” nhưng tôi không tin, tôi cho đó chỉ là va chạm nơi biên cương, rồi sẽ được giải quyết ổn thỏa thôi. Khốn khổ thân tôi vì từ khi vừa sinh ra đã được dậy bảo phải yêu nước Trung Quốc vì họ cùng phe với ta,quan hệ “Môi với răng”cơ mà, “Anh cả Liên Xô chị hiền Trung Quốc” cơ mà .Từng được cử sang nước “bạn” học tập, tôi vẫn nhớ như in mấy anh bạn Trung Quốc mỗi khi nói chuyện với chúng tôi thường dẫn lời Mao chủ Tịch “Lợi ích và lý tưởng chung đã làm chúng ta liên hợp lại, đoàn kết thành một khối, vĩnh viễn trong một khối” Lãnh đạo ta thì nói quan hệ giữa hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”rồi “chung một ý chung một lòng” thế thì sao có thể oánh nhau được. Khi các bạn tôi ở phía nam đã cùng đồng đội đánh tan tập đoàn “Pôn Pốt” làm nức lòng người, thì cũng là khi căng thẳng trên biên giới phía bắc bị phía Trung quốc đẩy lên đến cực điểm. Sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung quốc thực hiện tấn công quân sự trên toàn tuyến biên giới phía bắc. Mặc dù đã cảnh giác nhưng hình như bên ta vẫn bị bất ngờ, tôi cũng bất ngờ ,tôi không thể tin rằng một quốc gia láng riềng mà tôi từng nhiều năm được giáo dục phải hết sức tin tưởng ,phải yêu mến, lại có thể tấn công tổ quốc tôi, bên tai tôi còn rộn vang bài quốc tế ca tôi từng có dịp cùng hát với những người lính quân giải phóng trung quốc “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn”... .
          Nhưng sự thực vẫn là sự thực ,tôi lại khoác áo lính ôm súng lên biên giới, cuộc chiến đã ở giai đoạn cuối, lính trung quốc bắt đầu rút, ta không chủ trương truy kích, giặc rút tới đâu chúng đặt mìn phá hủy tới đó, phố phường tan hoang tất cả chỉ còn đống đổ nát ,vài ngôi nhà còn sót lại thì chồng chất xác người bị chúng giết, những giếng nước sinh hoạt của người dân bị lấp bằng xác đồng bào ta, sự tàn bạo vượt qua tội ác của bất kỳ loài giặc nào đã gây ra từ trước đến nay ,tôi bỗng nhớ lại những lần nghe họ kể về tội ác của những người lính nhật đối với người Trung Quốc ngày trước, rồi tội ác của lính Mỹ đối với nhân dân miền nam Việt Nam nhưng tất cả đều thua xa sự tàn bạo của họ gây ra trong thời gian ngắn đánh vào Việt Nam ,cả đến việc đối sử với tù binh chiến tranh, sự man rợ cũng thể hiện qua việc hầu hết các nữ tù binh đều bị mang bầu do bị hãm hiếp nhiều lần, Nhớ lại người em họ con trai chú ruột tôi năm 1979 vừa tròn đôi mươi, nhà nước gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, theo thông lệ hàng năm vào dịp sau tết ,hôm tiễn lên đường em hồn nhiên nắm tay tôi “Giá em được đi Trung Quốc đào tạo giống như anh thì thích nhỉ”, chú em tôi vào lính bình thản như bao chàng trai trên đất nước này, về đến đơn vị người ta giao cho việc trồng dứa, ở một nông trường gần biên giới phía bắc, sáng 17 tháng 2 năm ấy khi Trung quốc bất ngờ tấn công, em đã hy sinh trên đường đi nhận vũ khí. Có lẽ trước đấy chú em tôi cũng như bao thằng lính Miền bắc khác không bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể bị chết vì đạn của Trung Quốc.
           Tôi như người vừa qua cơn mê bừng tỉnh lại, trong lòng tôi vừa chết đi một thứ tình yêu mà bao nhiêu năm tháng trước đó tôi đã cố nâng niu trân trọng để giành cho một đất nước có tên là Trung Quốc mà tôi đã từng rất tin tưởng ngưỡng mộ, với một dân tộc Trung Hoa mà tôi từng rất yêu quý. Thực tế phũ phàng cho tôi thấy rằng họ chẳng hề có cái gọi là tình bạn tình đông chí gì hết, cái gọi là tình hữu nghị anh em, tình quốc tế vô sản chỉ là những ngôn từ viển vông sáo rỗng che đậy cho tham vọng bá quyền đại hán rất thâm căn cố đế. Không hề có sự tôn trọng đối với các nước láng giềng, họ sẵn sàng cho quân dội đánh chiếm bất cứ phần lãnh thổ nào họ thấy cần, đánh chiếm bất cứ phần biển đảo nào mà họ cảm thấy có lợi. Đã có lúc tôi lầm tưởng Trung Quốc đánh Việt Nam là để cứu chế độ Pôn pốt ở Campuchia hóa ra tôi cũng lại lầm và có nhiều người cũng lầm. Lịch sử phát triển Căm Pu Chia chưa bao giờ nằm trong tầm nhìn của Trung Quốc, chỉ khi đảng Cộng Sản các nước Đông Dương cùng giành được thắng lợi, Trung Quốc mới nhảy vào ra tay phân hóa chia rẽ các nước trên bán đảo này, dùng viện trợ thao túng tập đoàn Pôn pốt biến họ thành cái gậy của trung quốc đánh vào phía sau Việt Nam, khi cái gậy gẫy thì họ trực tiếp nhảy vào đánh Việt Nam, mục đích là chứng tỏ họ đã chuyển sang cùng chiến tuyến với Mỹ và các nước phương tây để cùng tấn công vào khối các nước XHCN. Việc này giúp Trung Quốc được Hoa Kỳ và các nước phương tây xếp vào danh sách tối huệ quốc và nhận được sự ưu ái đặc biệt khiến nền kinh tế trung quốc cất cánh phát triển thành lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
          Nhắc lại vài dấu ấn đau buồn không có nghĩa là kích động thù hận. Bởi vì sự thực không đồng nghĩa là thù hận, Mao Trạch Đông cũng từng nói “Đời chỉ sợ hai chữ sự thực, đảng cộng sản rất trân trọng sự thực” tôi vẫn nhớ rất nhiều những kỷ niệm đẹp về những người bạn Trung Quốc mà tôi từng yêu quý, tôi vẫn có ấn tượng tốt về những phong cảnh đẹp, những công trình xây dựng, những thành tựu khoa học độc đáo mà người trung quốc đạt được .Nhưng tôi không thể quên, và không cho phép được quên những tội ác tàn bạo họ đã gây ra cho đồng bào tôi trên quê hương tôi, không thể quên những phần lãnh thổ, biển đảo họ đã cưỡng chiếm của tổ quốc tôi. Dân tộc Việt có truyền thống nhân đạo không ôm mãi hận thù, kể cả với Trung Quốc là nước đã nhiều lần xâm lược Việt nam, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại cần nhắc lại một chút để mà cùng nhau tỉnh táo, để lòng người thêm gắn bó trách nhiệm với đất nước mình, đồng bào mình xin đừng bao giờ quên những đồng đội, đồng bào, đã mang sương máu ,mạng sống quý giá giữ cho đất nước còn ngày hôm nay. Mọi sự lãng quên đều là sự ích kỷ đáng xấu hổ trước lịch sử và trước nhân loại. Nhắc lại để để ta hiểu rằng sự phồn vinh của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này đã được ươm mầm trên máu của rất nhiều đồng bào và chiến sĩ ta .Mỗi đồng tiền Trung Quốc đầu tư cho vay vào nước ta hôm nay đều có máu của đồng bào và chiến sĩ ta đã vong thân trong cuộc chiến khốc liệt mà phía Trung Quốc đã gây ra. Mọi sự thận trọng và tự trọng trong việc sử dụng nó không bao giờ thừa bởi vì xưa nay Trung Quốc chưa bao giờ tôn trọng chữ ký của chính họ trong các hiệp ước, hiệp định, các văn bản họ đã ký. Bài viết chỉ là câu chuyện của riêng mình, không nhằm đả kích vào bất kỳ cách suy nghĩ và quan điểm của ai, chỉ là thay nén nhang chiêu hồn những nghĩa sĩ đã vong thân vì nghĩa lớn…

                                          Y - C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét