Hạ bệ
Ông Ích Thành đang thắt cà-vạt, thì thấy Hùng, người con trai độc nhứt của ông cũng sửa soạn để đi đâu đó.
- Con cũng đi nữa sao?
Ông Ích Thành hỏi con, mà mắt nhìn mãi vào cái “nơ” trong gương.
- Con đi học tối, ba à...
- Vậy à, đêm nay có buổi học tối à?
- Dạ thưa có.
Ông Ích Thành hơi bực mình, nhưng ông chỉ nhăn mặt một cái, rồi bình tĩnh lại mà nói:
- Thôi được. Nhưng sau buổi học, đừng đi chơi đâu hết, phải về sớm đặng coi chừng nhà. Má mầy hôm về dưới bà ngoại, có dặn kỹ lắm đó, nói hai đứa ở mới nầy không tin cậy được đâu. Tao thì đến khuya tao mới về được.
- Dạ.
Cậu Hùng, một thiếu niên mười bảy, nhìn cha ăn mặc, đôi mắt cậu như nói lên tất cả thán phục của cậu. Ông ích Thành, mặc dầu con buôn, nhưng học rộng, cái gì cũng biết rành mạch. Ông lại sành ăn mặc lắm, đó là một chi tiết để tăng uy tín của ông nơi con mắt bọn thiếu niên.
Hai cha con ra ngoài cùng một lượt với nhau. Ông cha vừa lái xe ra khỏi cửa ngõ thì cậu con cũng vừa thót lên một chiếc tắc-xi.
Nhưng cậu Hùng không đi học đêm, mà đi đến hai ba nơi để rủ thêm bạn, rồi mới bảo tắc-xi chạy tới một nhà khiêu vũ to kia.
Bọn trẻ vào vũ trường giữa lúc đèn mờ, và bận chọn bàn nên chưa thấy gì hết.
Họ ngồi sát bìa sân gỗ. Đó là những người con trai sơ-mi bỏ ngoài, áo hở cổ, khác hẳn với những ông đứng tuổi, ăn mặc đàng hoàng và có vẻ đi dự tiệc trong bộ lễ phục hơn là đi phiếm du tiêu khiển như họ.
Ngoài sân, khách khiêu vũ giống như những bóng hình trên mặt đèn kéo quân, lũ lượt lướt qua trước mặt họ, không biết bao nhiêu lần.
Hùng chỉ ngó chăm chỉ xuống sân, nhưng chập chập cậu lại điểm tên: Hồng, Liên, Yến, Vui, Cúc… Ấy, cậu đã thuộc lòng những bàn chơn của vũ nữ, thấy là biết của ai ngay, không cần nhìn cao hơn nữa. Cùng một lúc với cuộc điểm bàn chơn, cậu thưởng thức bước đi của khách, cũng ở nơi đó: có những bước chơn bông gòn, và trái lại, có những bước chơn treo chì, cả hai thứ đều hay, bước nhẹ nhàng làm chàng sảng khoái, bước nặng giúp chàng vui cười.
Hùng, quả nhiên, bật cười lên, làm một hột đậu rang trong miệng cậu bị bắn vọt ra ngoài.
- Gì mà vui dữ vậy? Quí hỏi.
- Tao vừa nghĩ ra một điều thật ngộ nghĩnh, là những cô có tên xấu, như tên Vui chẳng hạn, là những cô mang tên thật, còn những cô có tên thơ mộng, toàn mang tên giả cả.
- Ấy thế mà tên Hà Đình của em là tên thật đó! - Cô vũ nữ quen, người Bắc, đang ngồi cùng bàn với họ, đính chánh như vậy.
- Tôi không nói cô, cô là trường hợp đặc biệt mà...
Bỗng Hùng nín lặng. Cả bọn đều ngạc nhiên nhìn anh chàng lắm lời nầy. Vẻ mặt kinh hãi của anh ta, khiến họ đoán thấy anh ta đang tái mặt trong bóng mờ. Họ nhìn theo hướng ngó của anh ta, thì tầm mắt họ chạm phải một đôi giày không có gì đặc sắc, nhưng phủ trên giày ấy, một miệng ống quần màu hơi quen.
Mắt họ leo ống quần, thấy nó to lần lần và ở phía trên, nó to quá, cho họ biết rằng, người mặc quần ấy là một ông bụng bự. Họ chợt hiểu, và ngước nhìn lên, thì thấy, quả đó là ông Ích Thành.
Ông Ích Thành cũng vừa thấy bọn trẻ, cũng ngạc nhiên và kinh sợ, và vội đưa mắt đi nơi khác.
Xuân, Quí và Nhạc vụt cười lên.
- Gì thế các anh? - Cô Hà Đình hỏi.
- Bố con đụng đầu nhau kêu cái cộp.
- Thế à! Ông cụ là ông nào?
- Cái ông cà-vạt con trai và giày chó vá kìa.
Hùng nhìn sững cha cậu, bấy giờ đã đi xa qua đầu sân bên kia với vũ nữ. Ông cụ nghẻo đầu, làm mùi một cách vô duyên, trông buồn cười muốn chết.
Hùng thấy cha cậu già quá, già hơn ngày thường nhiều, giữa đám vũ nữ trẻ trung ấy, và cậu có cảm giác đang đọc một bài thất ngôn bát cú in xen vào một tập thơ tự do. Mà đó là một bài đường luật rất xoàng. Đó không phải là một người cao niên, vốn sành ăn chơi, cố vui vớt vát, mà là một ông cụ thật thà, tập tành son trẻ. Nhưng dầu thuộc hạng già nào, ông cụ cũng chẳng coi được, khi vào đây.
Khi ông Ích Thành và vũ nữ trôi trở lại, Hùng thấy ông thở hổn hển mà quay, cậu tưởng chừng như nghe hơi thở ồ ồ của cha, một ông cha lỗi lạc, mà trước kia, cậu thấy làm cái gì cũng trôi chảy, dễ như chơi.
Hồi nãy, cậu ta hoảng sợ, khi bị cha bắt chợt giữa chốn ăn chơi. Nhưng bây giờ, không những cậu không còn sợ hãi nữa, mà còn có bụng khinh thường ông cụ là khác.
Con người đứng đắn, nghiêm trang thế kia, lại cũng chui đầu vào đây à? Nào đâu những lời gia huấn khắt khe, nào đâu những lời khen ngợi của bạn hữu ông cụ và chính của bà cụ nữa, bà cụ luôn luôn tự hào với bạn hữu rằng, bà có một ông chồng đứng đắn số một trên đời.
Và từ thuở giờ, cậu quen thấy ông cụ ngồi trên một cái bệ cao nghệu, oai phuông, lẫm liệt, làm gì cũng thật tài, từ việc lớn cho chí việc thắt cà-vạt. Hôm nay, cái vụng về của ông cụ khiến cậu cảm tưởng như ông cụ bỗng dưng ngã xuống khỏi bệ một cái rầm.
Năm ngoái, vào đây lần đầu, cậu cũng đã vụng về. Nhưng con trai vụng về thì xem vẫn được. Đến như cuộc tập sự trái mùa của một bậc cao niên, thì nghe nó tủi tủi làm sao!
Một ý nghĩ bỗng làm Hùng đau xót vô cùng. Cậu nhớ đến những chú chệt già, cả đời cần cù tiện tặn, ăn hàm-yũu [1] và ngủ trên một cái thùng gỗ, đến lúc sáu mươi chợt thấy mình gom được nhiều tiền lắm rồi, nên nghĩ đến hưởng thụ. Nhưng nào có biết đời có gì để hưởng, thôi thì cưới vợ bé vậy, mà cưới một cô thật trẻ. Làm như cái trẻ thơ ấy bù được tất cả những cái mà chú ta không được hưởng.
Hùng đau xót vì nhớ lại, cha cậu cũng đã cần cù tiện tặn để dựng cơ nghiệp. Ông cụ không dám hưởng gì cả và bây giờ, chừng như giựt mình tiếc rẻ, nên vội vàng chạy lượm mót của trời chăng? Thương lắm ôi!
Hùng lại đau xót mà thấy mình đâm ra xem thường cha, muốn không, cũng không được nữa.
Cậu có muốn hạ bệ ông cụ đâu. Tự dưng, ông cụ ngã, có muốn đỡ, đỡ cũng chẳng kịp, có muốn lờ đi, cũng đã trót chứng kiến rồi.
Đèn sáng lên. Người nữ ca sĩ Trung Hoa họ Mạc bắt đầu trổi giọng và sân gỗ giống như hồ tắm sắp đóng cửa, khách tắm vội lên hết trên bờ.
Hùng liếc nhìn cha, thì thấy ông cụ từ giã bạn rồi đi vòng để ra cửa, tránh xóm cậu đang ngồi.
*
* *
Bữa cơm trưa hôm đó, đáng lý thì vui vẻ lắm. Bà cụ đi xa mới về, ông cụ lại vừa trúng một vụ có lời to.
Nhưng bà cụ ngạc nhiên lắm mà thấy chồng, con như là bỡ ngỡ với nhau. Thằng Hùng hôm nay sao mà có vẻ tự tôn thế ? Đó là một thứ mặc cảm, mà nó luôn luôn có và không giấu ai được, mỗi lần nó đắc thắng về học hành hay về thể thao.
Tự tôn nhưng lại trốn mắt cha, trong khi ông Ích Thành cứ rình xem cử chỉ của nó, mà lo lắng thì lộ rõ trên mặt ông.
Bà Ích Thành đoán biết có chuyện gì xảy ra ở nhà nầy, lúc bà về quê, và chuyện đó rất là khó nói ra.
Ông Ích Thành rình con, rồi nghĩ bụng: “Nó đã bắt chợt mình sống vội, vớt vát mật mỡ ở đời, chắc nó không khỏi triết lý rằng, còn trẻ phải chơi cho chán chê ra, kẻo già phải hối hận. Như thế nầy thì nguy to, nó mà lấy cái triết lý rẻ tiền ấy làm phương châm, thì hỏng. Vậy mình phải cố gắng cứu vãn tình thế mới được.”
Để đánh tan không khí lạnh lẽo, bà Ích Thành hỏi chồng:
- Ông biết tên Vĩnh Xương không?
- Phía bên chồng sắp cưới của con ông Hạo hử ?
- Ừ, bên đó làm sao, theo ý ông?
- Nghe nói thằng ấy ăn chơi bạt mạng, không ra gì đâu.
Hùng mỉm cười ngạo nghễ, bụng cậu nói thầm câu sau đây nhưng ông Ích Thành lại nghe rõ mồn một: “Thôi đi ông, ông cũng đi nhảy như ai, thì ông, thằng đó và tôi đều chung một xuồng với nhau, chớ lạ gì mà chê bai người ta, ông lại còn tệ hơn bọn tôi, là ông trễ xuồng, cố nhảy nai theo người ta, trông lố bịch quá đi mất!”
Ăn cơm xong, ông Ích Thành nói chuyện với con bằng tiếng ngoại quốc:
- Qua bên bàn giấy, ba có chuyện cần nói riêng với con.
Hùng đoán ông cụ định hối lộ cậu một số tiền, để cậu khỏi mét thót với mẹ sự chùng lén của ông.
Cậu suy nghĩ để lập thái độ. Cậu có thể khai thác bí mật ấy mãi mãi để tống tiền ông cụ, và ông cụ sẽ là mỏ vàng không bao giờ cạn. Làm thế, cậu lại có lợi về tinh thần: cậu được bạn, được người tùng đảng trong cuộc truy hoan, khỏi lo bị quở mắng, nếu thi hỏng.
Nhưng cậu không phải là một thiếu niên tệ đến thế, nên cậu định sẽ long trọng hứa bưng kín miệng bình cho cha an lòng, và quyết định từ chối tiền hối lộ.
Ông Ích Thành mời con ngồi trước bàn giấy như là tiếp khách làm ăn. Ông cúi đầu nhìn tờ giấy chậm lót bàn màu hường lợt rất lâu, đoạn đột ngột, ông hỏi:
- Năm nay con bao lớn?
Hùng ngạc nhiên hết sức. Sao ông cụ lại to gan thế? Ông cụ hỏi tuổi cậu để cậu phải khai ra rằng, cậu chỉ mới mười bảy thôi, để rồi cụ chụp lời thú nhận còn trẻ măng ấy mà mắng cậu là còn trẻ mà đã hư thân à?
Hùng quyết chí đương đầu với cha và đáp hơi thách đố:
- Con mười bảy, thưa ba.
- Vậy hà! Thì ra con đã gần thành nhơn rồi!
Ông cụ hỏi thật tình và thật tình ngạc nhiên trước lời khai tuổi tác của con. Ông cứ ngỡ con ông còn bé bỏng như ngày nào và không thấy được rằng, nó dùng dao bào của ông mà cạo râu mép từ mấy tháng nay rồi.
- Nè con - ông Ích Thành nói sau mấy lần do dự - Con đã lớn, nên ba kêu con vô đây để cho con biết một việc quan trọng. Ba xem con như một người bạn.
Hùng cụt hứng. Cậu giống như một con dê mới mọc sừng, đang giang hai chơn trước, gầm đầu xuống, sừng chĩa tới trong một dáng điệu sẵn sàng chờ đợi địch thủ. Nhưng địch thủ lại không tấn công, khiến cậu ta tiu nghỉu.
Câu hỏi mỉa mai của cậu làm cho ông Ích Thành phải bối rối thêm một lần nữa:
- Thưa ba, ba mới nhận ra là con đã lớn, từ lúc con vào đây. Vậy sao ba lại quyết nói chuyện quan trọng với con từ hồi ăn vừa xong?
Ông ích Thành bậm môi vì tức giận, nhưng buồn cười cho mình và cho cái cứng đầu của cậu con trai, nó là hình ảnh trung thành của tánh bướng bỉnh của ông, thuở ông còn niên thiếu.
Không đáp lời con, giây lát sau, ông nói:
- Ba cho con hay rằng, lúc nầy ba viết báo.
- Vậy hả? Ba viết báo làm chi. Công việc làm ăn không đủ choán hết thì giờ của ba sao?
- Ba bận lắm. Nhưng bây giờ, ba có tiền, ba lại đâm ra háo danh.
Hùng cười và nói thay cha:
- Nên không kịp tranh cử Hội Đồng, thì ba viết báo vậy.
Ông Ích Thành cũng cười, rồi tiếp:
- Quan trọng không phải ở chỗ viết báo, mà ở chỗ viết báo thì dễ bị nguy. Ba viết phóng sự hay phanh phui chuyện người ta, có thể bị hại lắm. Ba cần báo cho con biết, để...
- Ba sợ lắm thì viết làm chi cho mất công lo.
- Không, ba không sợ lắm, ba chỉ báo cho con biết vậy thôi. Nếu rủi ba có bề gì, thì ít ra, gia đình cũng rõ ai ám hại ba...
Hai cha con làm thinh giây lâu, rồi ông Ích Thành lại tiếp:
- Độ nầy ba viết về tiệm nhảy, nên ba hay la cà ở các nơi đó để thu thập tài liệu.
Nghe câu đó, Hùng chợt hiểu; cậu buồn cười quá, không cầm được, nên bật cười to lên.
- Sao con lại cười? Ông Ích Thành ngạc nhiên hỏi.
- Thưa ba. - Hùng đáp sau cơn cười - Ba không cần gì cố cắt nghĩa sự có mặt của ba trong “Móng Trời” đêm đó. Con đã lớn, thì con phải hiểu rằng, ai cũng có quyền sống riêng cả! Không, con không dám khinh ba đâu, con không đạo đức lắm đâu. Nhưng con thú thật với ba rằng, con bớt kính phục ba hơn khi trước. Bớt kính phục nhưng thương hơn, vì thấy ba trễ đò và yêu hơn, vì thấy ba là bạn của con. Sao con lại bớt kính phục ba, thì ba đã biết. Và ba không làm gì được để gây uy tín lại cả. Nếu ai xô ba xuống khỏi bệ, thì ba có thể leo trở lên và người thân của ba sẽ giúp ba trong việc ấy! Nhưng khi mà chính ba tự hạ bệ, và con đã trót thấy, thì không làm sao…
Ông Ích Thành giận tím mặt, đấm xuống bàn một cái rầm, rồi hét:
- À, mầy lại dạy đời tao hả?
- Thưa ba, con đâu dám. Nhưng ba đã xem con là bạn thì … Thôi, con xin phép ba.
Hùng đứng lên, đi ra cửa một nước. Ông Ích Thành cắn môi dưới, lòng đau cái niềm đau ê chề, khi người ta bị người thân yêu hất hủi.
Thế là hỏng cả! Ông Ích Thành than thầm giây lát sau đó. Nó sẽ đi chơi bạt mạng, không sợ ai nữa, mà càng không sợ lương tâm nó, vì lương tâm nó sẽ im đi, khi nó đưa cái triết lý tai hại “hái lấy ngày qua” ra.
Ông Ích Thành chống tay lên bàn viết, ôm đầu mà tuyệt vọng.
Thế là hỏng cả! Mình đã tự hạ bệ! Hột kim cương giả, khi đến lúc tự mờ nước chiếu, không trời đất gì làm cho nó chói sáng lại được hết.
Bỗng, ông cha vừa mất uy tín, hạ tay xuống, ngước mắt lên. Mặt ông, bấy giờ, sao lại hớn hở như tình thế thình lình biến chuyển có lợi cho ông. Ông mỉm cười, rồi lẩm bẩm một mình: “Hỏng, nhưng chưa hoàn toàn sụp đổ! Nó đã biết nói sự thật ấy thì chắc không bao giờ nó tự hạ bệ trong đời nó. Hà...hà...ít ra cuộc gặp gỡ không may cũng cho nó được một bài học hay: tự hạ bệ là chết!”
ghi chú của người chép lại:
[1] hàm-yũu (hàm-yểu) dịch âm từ tiếng Quảng Đông, nghĩa đen là dầu mặn, được dùng ở Việt Nam để gọi nước tương Tàu, về sau, theo đà cải thiện phẩm chất cũng như phương pháp sản xuất, có lúc gọi là tàu-yểu (dầu đậu (nành)), và sau cùng gọi là tàu-vị-yểu (dầu đậu (nành) có hương vị).
[1] hàm-yũu (hàm-yểu) dịch âm từ tiếng Quảng Đông, nghĩa đen là dầu mặn, được dùng ở Việt Nam để gọi nước tương Tàu, về sau, theo đà cải thiện phẩm chất cũng như phương pháp sản xuất, có lúc gọi là tàu-yểu (dầu đậu (nành)), và sau cùng gọi là tàu-vị-yểu (dầu đậu (nành) có hương vị).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét