Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Tu Hú


Mấy hôm nay chim Tu Hú về nhiều ,lại tới mùa vải chin. Năm nào cũng vậy, những chum vải đầu tiên theo chân các bà các chị ra chợ bao giờ cũng là quả của giống vải rừng bản địa, được thu hái từ rừng hoặc đã di thực về trồng ở vườn nhà, gọi nôm na là vải ta , hạt to vị hơi chua, nhưng dễ trồng và ít sâu bệnh, nó đã gắn bó rất lâu đời với người dân nhiều tỉnh phía bắc, được gọi bằng tên của loài chim xuất hiện vào mùa này, quả “Tu Hú”. Nhạc sĩ có bài hát “Tu hú kêu hoa gạo nở ,hoa phượng đỏ đầy ước mơ hy vọng…” không lừng danh như những ca sĩ nổi tiếng Họa mi, Sơn ca, không đỏm dáng như mấy chàng nghệ sĩ khiếu bạc má, chào mào. Tu hú khiêm nhường ,bình dị và có phần lãnh đạm với đời, không
ồn ào, không suồng xã, chưa thấy ai gọi là tiếng hót, chỉ bảo đấy là tiếng kêu, nhưng tiếng kêu ấy lại len lỏi đi vào cuộc sống của những người lam lũ một cách nhẹ nhàng và sâu lắng giống một sự chia sẻ thầm kín hơn là sự khoe giọng khoa trương .Người ta không thể nhớ nổi âm điệu trầm bổng trong tiếng hót của họa mi, cũng không mấy người lột tả hết được những âm thanh rối rắm của sơn ca, ngay cả tiếng hót của khiếu, của chào mào cũng rất khó nhớ, nhưng tiếng kêu của tu hù thì gần gũi đến kỳ lạ ,nghe một lần là mãi không quên ,nhớ hồi ở Hà tây, trú quân trong nhà Bà mẹ có con đi B, đúng mùa chim tu hú về, chúng kêu rộn quanh nhà, mẹ lo lắng bảo chúng tôi
- Đấy con chim nó bảo “Đi thì chết”các anh ạ .Chỉ tại con chim nó kêu ra âm thanh nghe na ná vậy ,vâng, mẹ ơi… đi có thể chết, nhưng đó là do cấp trên định đoạt, chúng con chỉ như những viên đạn người ta ngắm bắn vào đâu là lao vào và nổ tung ở đó ,con của mẹ cũng như chúng con…và như một điều tự nhiên trong chiến tranh, bà mẹ nào cũng có thể phải nuôi con tu hú…và hồi ấy có nhiều người cũng gọi con chim này là chim “đi thì chết”.
Thực ra chim Tu Hú có 3 tiếng kêu khác nhau, mỗi tiếng kêu tạo cho nó một cái tên, “Tu hú” là tiếng kêu khi còn đơn lẻ, khi đã tìm được bạn đời ghép đôi rồi thì chúng không dùng đến nữa, mà nhường lại cho người họ hàng rất giống mình chuyên kiếm ăn ban đêm, ai đã sống ở núi rừng việt bắc hẳn khó quên được những tiếng kêu lanh lảnh giữa đêm rừng “bắt cô trói cột” “ Chót bóp” “khảm khắc” “Tu hú” bên cạnh những “Thủ Thỉ, thù thì” “A nàng”, thánh thót ,xen lẫn thâm trầm, những tiếng kêu đêm một thời ghi dấu hoang sơ nhưng đầy oai linh của vùng rừng thiêng nước độc, ông Tố Hữu đã sai khi viết “Khi con tu hú gọi bầy” Tu Hú không sống theo bầy, chúng sống từng đôi, đi kiếm ăn đơn lẻ, bởi thế thỉnh thoảng kêu lên để báo cho bạn đời biết, nửa kia của nó vưỡn quanh quẩn đâu đây, khi chiều đến muốn rủ nhau cùng về nơi ẩn náu ,chúng kêu như tiếng người ta gọi vịt “Vit vít,vịt vịt vịt” bởi thế một số nơi gọi Tu hú là “chim gọi vịt” hoặc chim tìm vịt hoặc chim vịt .
“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chin chiều ruột đau”(ca dao)
 Gọi là “gọi vịt” có vẻ đúng hơn, tìm vịt chắc là suy rộng ra thôi,vì Tu Hú không khi nào bay ra đồng trống là nơi kiếm ăn của loài vịt ,và cũng rất hiếm khi đỗ trên những bụi cây thấp nhỏ, nó chỉ đỗ trên những lùm cây cao cỡ trung bình trở lên, có nơi người ta cũng gọi giống chim choi choi là chim vịt ,đây là loài chim kiếm ăn trên những thửa ruộng nước nông, có tiếng kêu như vịt con gọi bầy.
Đời khoác cho Tu Hú hình ảnh là một loài chim không có tình nghĩa ,đó dường như là một thực tế không thể phủ nhận, bởi vì nếu ta nhìn thấy một con tu hú sống giữa trời đất thì chắc chắn là đã có ít nhất một con chim sâu, chim chích phải thế mạng cho nó về thế giới bên kia .Giống Tu hú không biết làm tổ nuôi con, nó thường ăn trứng của chim sâu rồi đẻ quả trứng của nó thay vào đó, vợ chồng chim sâu phải làm việc cật lực kiếm mồi cho đứa con nuôi to xác , khi đủ lông đủ cánh, trưởng thành, nó lặng lẽ bỏ đi ,câu nói cửa miệng “Nuôi con tu hú” là người đời nói về việc này .
Tự nhiên có những xắp đặt tinh sảo đến khó ngờ ,giống như khi ta nhìn vào một loài nấm lòe loẹt với bao nhiêu ác cảm về sự độc hại,rồi bỗng một ngày kia có người bảo nó là một thần dược giúp ta chữa được nhiều loại bệnh, cũng như bao loài hoa nhợt nhạt ta cứ nghĩ nó không sắc, không hương thế nhưng nó vẫn cứ âm thầm tỏa thơm trong đêm vắng , ít người biết được Tu Hú sau khi trưởng thành không bao giờ quay lại ăn tranh mồi của kẻ nuôi chúng, nó chỉ tìm ăn những loài sâu mà chim chích ,chim sâu không dám ăn ,những con sâu cước xù xì những gai, những con sâu róm đầy lông , nhứng con bọ nẹt trên mình đầy nọc độc mà chỉ cần quệt nhẹ vào đã thấy đau rát. Tạo hóa nhiệm mầu đã bổ xung ,thay thế một con chim sâu, nhỏ bé yếu đuối bằng một con chim to khỏe hơn, có sức chịu đựng giỏi hơn để tiêu diệt những loài sâu ác độc mà các loài chim ăn sâu bọ khác không dám đụng đến ,là nó đấy, chính là chimTu Hú.
Nhớ hồi nhỏ trong khóm dong riềng đầu nhà, anh em mình phát hiện có tổ chim chích bông nhưng bên trong nó lại là chú chim lạ hoắc ,mới nở mà đã to tướng, mỗi lần vạch lá nhìn vào, cu cậu thấy động lại thò cái đầu đen thui lên ngoác mỏ choe chóe đòi ăn ,thấy đôi chim nuôi nó tất bật quá ,anh em mình bắt sâu cho nó ăn thêm ,đưa con sâu nào vào nó cũng chén tất,về sau hết sâu,cho cào cào châu chấu vào nó cũng ăn luôn. Khi rời tổ, ngày đầu nó bay lên đậu trên cây bồ kết liền đấy chờ bố mẹ nuôi tha mồi về ,những ngày sau nó bay chuyền lòng vòng đâu đó, khoảng một tuần sau một mình nó quay lại cây bồ kết ,lúc này đã là chú chim trưởng thành, nó tìm bắt những con sâu trên cây này, toàn những con sâu đen, mình đầy gai tua tủa, ông anh mình sợ nó ăn phải sâu độc sẽ chết nên ra đuổi cho nó đi nơi khác nhưng con chim này lúc nhỏ đã được anh em mình cho ăn nên nó không sợ nó chỉ nhảy lên cành cao tiếp tục ăn những con sâu kinh khủng đó, Tự nhiên cho nó kiểu ăn rất bảo đảm cân bằng sinh thái, nghĩa là chỉ ăn một lượng sâu nhất định rồi lại bay đi ,mỗi ngày đảo qua một vài lần .Chiều đến nó đưa bạn về cây bồ kết trú ngụ ,khac với các loài chim khác, Tu Hú có giấc ngủ không yên tĩnh, đêm đêm thường bất chợt thấy nó kêu lên khe khẽ như đứa trẻ ngủ mê ,nhất là những đêm mưa, đôi chim thay nhau rên rĩ như vỗ về an ủi cho nhau, giống như cảnh những đứa trẻ không cha mẹ ,không gia đình tự an ủi vỗ về nhau những khi khốn khó .Được vài năm không thấy nó về nữa ,chắc nó đã chết đâu đó, vì già, hoặc cũng có thể bị người ta bắn chết, trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, không biết nó đã ăn bao nhiêu quả trứng chim sâu, và đẻ vào đấy những quả trứng của nó, nhưng có điều mình biết chắc là nó đã bắt rất nhiều sâu độc, rất nhiều cây lá đã được nó giải cứu khỏi bấy sâu tham lam , góp phần giữ cân bằng cho thế giới tự nhiên, nó đã hoàn thành rất tốt sứ mạng của một sinh linh được sinh ra trong đất trời này.

Y - C


1 nhận xét:

  1. Tu hú chỉ kêu độc 1 tiếng là " tù ú " thôi chú, còn con tìm vịt mới kêu 3 tiếng, cháu cũng khát khao tìm hiểu về con chim này nên trong 1 ngày đọc được tản văn của chú và cũng xem đc 1 clip có ghi âm 3 tiếng kêu này, mời chú xem

    https://www.youtube.com/watch?v=TzNLcJcvD2Q

    Trả lờiXóa