Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Vật cổ

Nghe tin lão Ếch cuối xã đào được vật cổ , giống như bao thằng dân đen xung quanh tôi chạy bổ đến xem .Khiếp thật ,ở đâu ra mà lắm người hiếu kỳ thế không biết, vòng trong vòng ngoài bít hết cả lối ra vào ,cạy mình là chỗ quen, tôi xông tới chen trái, huých phải, xẻ dọc bọn nó ra mà tiến lên, mấy thằng trai tơ ỉ vào cái xác to khỏe, khuỳnh tay ,khuỳnh chân không chịu
nhường lối, bị tôi tóm cu lôi mạnh về phía sau ,cứng đến mấy cũng phải chịu thua lão già cò lả. Là từ cái hồi còn ở trường sơn có lần đơn vị tôi đóng gần đơn vị lão Ếch, tình đồng hương xa nhà nên cũng hay qua lại thăm nhau, sau đó thì đường ai nấy đi mất con ti hút, khi ra quân mỗi thằng một thôn việc mày mày làm, việc tao tao lo ,chung quy cũng chỉ sớm hôm cày cuốc nuôi vợ con, chẳng có lý do chó gì để thăm hỏi nên cũng chẳng thèm đến nhà nhau lấy một lần. Trầy vi trớt vẩy mới vào được trong sân, thấy lão Ếch gày còm (đúng là con ếch xanh) cùng mấy lão chắc là hàng xóm, đăm chiêu ngồi bệt bên bộ ấm chén đặt ngay đầu hè ,gọi là bộ cho lịch sự thôi chứ số chén còn có nhõn 3 chiếc, tôi xông đến gào lên
- Ếch!..Ếch…ông nhớ tôi không ?..., đang ủ ê chợt lão hơi tươi lên một tí ,chỉ tay vào mặt tôi ngượng nghịu
- Ờ…ờ…Đồng…Đồng…Đồng hả ?...
- Bậy…! Đồng nào ! ?... ,lão ta vưỡn chỉ vào mặt tôi
- Ờ…ờ…Thộn…Thộn đúng rồi?...
- Đây mà là Thộn…! thấy lão vưỡn tiếp tục ờ…ờ… ,chắc hồ sơ trích ngang của tôi bị hắn cất quá kỹ trong trí nhớ chưa mở ra được ngay, sốt ruột đành tự vỗ ngực
- Ờ gì nữa, Lỗ đây, Lỗ thôn đoài đây ,mấy tay hàng xóm nhà lão gật gù la lên
- Hơ..hơ..Lỗ ,tên Lỗ nghe thấy ở đâu rồi nhỉ, Cao Lỗ à?
- Không cao, thấp thôi…
- Là lỗ dưới …
- Lỗ nào cũng là Lỗ…,ông còn nhớ thằng Lỗ đồng hương hồi đóng quân gần trạm 12 không ? nghe đến đây lão Êch gật gù đến chục cái rồi mới đưa tay ra bắt tay tôi
- Á!..á!…già rồi nên đãng trí tí thế thôi chứ quên thế đếch nào được ,Ếch mà quên Lỗ thì sao còn gọi là Êch, nhất là cái đận mày đi săn tí nữa bắn trúng thằng trung đội trưởng bên tao làm nó sợ về nằm mấy ngày bỏ cả cơm
- Ai bảo hắn tối rồi còn leo cây lấy dù, làm người ta tưởng lầm là khỉ ,may mà hôm ấy căn đường ngắm bắn đêm không chuẩn ,làm vẻ tự nhiên tôi cũng ngồi bệt cạnh lão ,với tay ra cái ấm định tự mời mình chén trà thì thấy nó nhẹ bỗng, cạy nắp ra nhòm chẳng có đếch gì bên trong cả, chữa ngượng bằng cách lảng sang truyện khác
- Nghe nói ông vừa đào được cổ vật giá trị, tôi đến dòm phát chia vui ,lão Êch hất hàm về phía bộ ấm chén
- Nó đấy…! tôi xăm soi nhìn ngắm lại mấy cái linh vật trước mặt rồi lắc đầu
- Ông nói đùa…ba cái đồ thời bao cấp này mà đã đòi là cổ vật ư?, nhà tôi có đầy…!lão cười như mếu,
- Có ai bảo cổ đâu ,truyền miệng nhau thêm thắt vào thì nó thành cổ ấy mà. Đào cái vũng cho mấy con ngan con nó vầy nước, trúng phải cái đĩa vỡ mất rồi, còn mấy cái này thấy hay hay nhặt về chơi, thế là thiên hạ tố lên, nói đồ cũ, sợ nó không ly kỳ, mấy bố dân đen cứ nống lên với nhau hết đồ cổ, rồi cổ vật, rồi vật cổ, nó thành vàng khi nào không biết đấy. Toàn bọn thất nghiệp nhàn cư, sáng tối kéo đến ầm ầm ,có mấy lạng chè vừa đi thái nguyên mua về đem ra tiếp khách, loáng cái hết ngay, vợ nó đéo mua thêm cho nữa, thằng cháu nội đến bữa về ăn xong là trốn biệt tích, nó sợ cảnh liên tục phải nấu nước mời khách nói rồi lão vỗ vai tôi.
- Nhưng mà trừ ông ra ,ông đến thăm gia đình tôi là tôi rất quý, tôi cũng vỗ vào vai mấy lão cùng ngồi đấy
- Cả mấy lão này nữa nhể, cái đám đông hiếu lạ hiếu kỳ chẳng ai mời cũng sấn vào nhòm ngó, mỗi đứa phán một câu “Thế này mà đòi cổ” “cổ chó gì cái này ,toàn thứ vét đĩa, thời bao cấp nhà nước nó cũng không thèm quản lý, bán tự do đầy chợ”,rồi họ tản dần về nhà, khi đám tụ tập tan gần hết mới thấy vợ lão ở đâu lò dò về ,một điển hình của mẹ mướp ,mụ tơi tả xơ xác quá,chả bù ngày xưa nổi tiếng xinh đẹp trong làng khiến lão Ếch cứ thấp tha thấp thỏm mỗi bận tôi có việc ra mạn ngoài là lão lại nhắn “Mày nhớ đảo qua làng, xem có thằng nào lớ sớ mụ vợ tao ,báo cho tao biết ,tao về xin nó tí tiết” nhưng mà làm gì có thời gian để đi làm thám tử tư cho hắn, hồi đấy làm việc cách mạng nhiệt tình và nghiêm chỉnh lắm, “năm không phép, tháng không ngày, tuần không thứ ,ngày không giờ” đến đơn vị,địa phương nào là phải xin đóng dấu chứng thực ở đấy ,không khớp thời gian, không có lý do chính đáng là bị kỷ luật vàng mắt ,nhẹ thì phê bình cảnh cáo, nặng thì bị quy thành đào ngũ phải đi đóng gạch tàn đời ,bố ai dám tham ô thời gian của quân đội ,cái kim sợi chỉ chẳng có để mà tơ hào, có mỗi cái thời gian nên người ta quản lý chặt lắm, chỉ tay vào tôi lão Ếch hỏi vợ
- Bà có biết ai đây không ?chị vợ quắc mắt lườm chồng
- Có đàn ông các ông mau quên chứ tôi làm sao quên được ,rồi nhìn tôi toe toét cười
- Tưởng chú quên nhà chị rồi, công lên việc xuống gì mà mấy chục năm không đến thăm lấy một lần. Phụ nữ dù đã già họ vưỡn có những kiểu trách cứ rất đáng yêu ,khiến ta cứ phải dào bới từ sách vở nhào nặn ra những câu trả lời thật duyên dáng cho đáng mặt đấng nam nhi
- Ối giời ơi! Bà chị thông cảm, ba cái chân ngày xưa hoạt động quá sức nên về già nó thành ra yếu ,loanh quanh dẫm sân nhà đã mệt thì còn dám đi đâu được nữa ,cũng đang mong hôm nào ra cuốc vườn đào trúng món đồ cổ giống như ông anh ,bà chị đây, để được đón ông anh bà chị sang chơi ,đang tươi cười chị ta bỗng nghiêm nét mặt
- Trúng cái đồ khỉ gió ấy làm gì ,ông nhà tôi chắc là đào phải ba thứ người ta cúng tế cho thần linh, ma quỷ, thế nên từ hôm ấy tới giờ, hết người này, người kia lăn ra ốm, chắc các ngài về phạt ,tôi đang bắt ông ấy phải chôn trả nó về chỗ cũ đi cho nó lành, thấy mấy lão hàng xóm xung quanh cũng gật gù “rồi có khi các ngài phạt lây sang cả hàng xóm chúng tôi nữa đấy” thế là tôi cũng hùa theo
- Thế thì chôn mẹ nó về chỗ cũ đi, đang mùa dịch bệnh, người ta ốm cứ đổ tội lên đầu ông ,có ngày Ếch thành cóc bị bôi vôi cho mà xem, nghe xong lão Ếch thở phào
- Quyết như vậy đi, chiều nay tớ sẽ đem chôn nó về chỗ cũ, từ hôm nọ đã có người khuyên vậy rồi nhưng tớ không muốn bị mang tiếng là thằng mê tín, đi lính bao nhiêu năm giờ lại sợ ma còn ra nghĩa lý gì nữa ,nhưng có ý kiến ông tôi sẽ nghe theo, cho bà nhà tôi bà ấy hết áy náy ,rồi quay sang vợ
- Quyết thế rồi đấy, giờ thì bà có gì mang ra khao chú ấy đi, vợ lão bỗng trở nên ngẩn ngơ, lẩm bà lẩm bẩm
- Chè hết, thuốc hết, rượu hết…rồi chợt reo lên
- À còn chai rượu thuốc, đúng rồi! để mang ra mỗi ông làm một chén rượu xếch ,nói rồi lon ton chạy vào nhà, một lát một tay xách ra cái chai 75 thủy tinh màu xanh ,một tay dúm 3 cái chén hạt mít bằng sành ,tôi đồ tuổi của chúng còn cổ hơn bộ ấm chén lão Ếch đào được, rồi chị xăng sái rót rượu ra cả 6 cái chén, thứ rượu có màu vàng chanh rất bắt mắt .Lão Ếch phân cho tôi một cái chén cổ, lão một cái, vợ lão một cái còn 3 tay hàng xóm uống 3 chén sành, đưa cái chén lên miệng mùi hắc xộc vào mũi, là một thằng từng lăn lê bò toài chán ở các vùng đồi trung du tôi nhận ngay ra mùi chổi xể ,quay sang hỏi lão Ếch
- Ông ngâm thuốc gì mà lại toàn mùi chổi xể thế này ? lão Ếch hớp một ngụm rồi cũng trố mắt hỏi vợ
- Bà cho anh em tôi uống rượu gì thế này? chị vợ anh ta hồn nhiên trả lời
- Là tôi ngâm cái lọ thuốc hồi năm ngoái ông đi quảng trị về đưa, bảo tôi ngâm rượu mà dùng đấy, lão Ếch vỗ tay đánh bốp một cái rồi la lên
- Thôi chết tôi rồi, đấy là lọ dầu chổi, nghe tôi kể là bà hay đau nhức sương, thằng bạn nó cho một lọ để ngâm rượu dùng cho bà xoa bóp, thế mà lại mang ra cho anh em tôi uống có chết bỏ mẹ không chứ ,mấy lão hàng xóm nhao lên
- Có độc không nhẩy? may quá mình chưa uống!...
- Tôi ực mẹ nó mất rồi làm thế nào bây giờ?…
- Hôi thế mà ông cũng uống được à!?
- Mấy hôm nay cảm cúm ngạt mũi có ngửi thấy mùi gì đâu!... Thấy tình hình có vẻ không ổn tôi vội gạt đi
- Không sao…không sao, dầu chổi mà độc thì các cụ nhà ta đã mang nó ra làm thuốc diệt chuột từ lâu rồi, việc gì phải nhập của thằng tàu cho nó tốn ngoại tệ, với lại từ xưa tới giờ chỉ thấy người ta nói chết do ăn phải lá ngón, do ăn phải thuốc trừ sâu ,thuốc diệt cỏ thôi,chứ có thấy nói ai chết vì uống dầu chổi đâu, hồi còn ở lính có lần tớ bị đau bụng không có thuốc, thằng y tá nó cho uống gần hết lọ dầu bạc hà thế mà khỏi đấy ,một lão hàng xóm cũng ủng hộ tôi
- Tớ cũng vậy, hồi ấy cũng bị cúm như ông này này, thằng y tá vừa đưa cho lọ dầu khuynh diệp ,mình làm một hơi hết sạch ,nó thất thần nhảy dựng lên bẩu
- Tôi đưa để ông về nhỏ vào mũi chứ sao ông lại uống!? Lão ếch nhăn nhó
- Nhưng dầu chổi này người ta chỉ dùng để xoa ngoài thôi ,tớ mới hớp có nửa chén mà đã rát hết cả mồm miệng đây này, tôi gật gù giải thích
- Thuốc xứ ta trong uống ,ngoài xoa là bình thường ,vợ lão Ếch lại rất tâm đầu ý hợp với tôi
- Đúng rồi, lần trước có lần lão ấy xin đâu được lọ mật gấu bảo chị ngâm rượu mà xoa ,mới xoa được có ba lần lão ấy đã uống tì tì hết cả chai mà có sao đâu! Lão hàng xóm đang bưng miệng cũng cố quay ra hỏi với cái giọng khao khao vì đau rát
- Thế chai thuốc này bà đã đem ra xoa chưa?...
- Thì từ hồi tới giờ ngày nào tôi cũng xoa…
- Thế thì chết tôi rồi, con vợ nó biết thì nó giết tôi luôn ,ai lại đi uống cái thứ xoa hông của bà thế chứ
- Thôi đi! chú mày đừng có sĩ diện, vợ chú cũng đã mấy lần sang đây xin tôi xoa thuốc cho đấy ,nó còn xoa chỗ hiểm bằng mấy chị ấy chứ, thấy sự việc càng trở nên phức tạp tôi vội cáo từ ra về, vợ chồng lão ếch cứ băn khoăn “được ngày chú mày lại chơi mà không có gì tiếp áy náy quá” tôi xua tay
- Không sao !Anh em mình thế nào cũng còn gặp nhau rồi chuồn về luôn.
Hôm sau, đang lúc mải mê theo dõi bài phát biểu chống tham nhũng trên tivi thì mụ vợ đi chợ về ghé tai thì thầm
- Này! ông nghe tin gì chưa? lão Ếch bạn ông bị bắt rồi đấy! tôi choáng người chưa kịp hỏi cho ra đầu đuôi thì mụ đã thẽ thọt giảng giải
- Đào được vàng, mà không nộp trả nhà nước là bị xếp vào hành vi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa đấy, người ta xách cổ đi rồi ,tôi trố mắ kinh ngạc
- Vàng nào? có mà vàng mắt, mụ vợ tôi vẫn tưng tửng
- Thì vàng mắt rồi đấy ,nghe nói có người làm giấy gửi lên tận huyện tố giác lão Ếch đào được bộ ấm chén cổ bằng vàng, đang định ỉm đi để bán cho bọn buôn đồ cổ quốc tế ,gớm thế chứ lị! không giữ được bình tĩnh tôi quát to
- Vàng cái con khỉ! có cái ấm sứt vòi với 3 cái chén mẻ ,chính mắt tôi nhìn thấy, có đâu ra mà vàng
- Ông giỏi thì ra mà cãi nhau với người ta, mà bênh bạn ông ,chứ ông quát gì với tôi?
- Là tôi tức cái thằng nào dựng chuyện đổ vạ cho người ta ấy! sau cái thở dài mụ vợ tôi lại thẽ thọt
- Cơ mà tôi nghĩ không có lửa làm sao có khói
- Lửa của nó là bộ ấm chén sứt, còn khói của nó là bộ ấm chén vàng đấy, bà hiểu chưa , rồi để tôi sang nhà lão Ếch xem tình hình thế nào .vừa nghe thế mụ vợ níu ngay tôi lại,
- Này! ,nghe tôi bảo này, lão ếch vừa bị bắt ông mò sang người ta lại bảo ông thông đồng tẩu tán tài sản thì bỏ mẹ , tôi lấy tiền đâu mà đi thăm nuôi ông
- “Cây ngay không sợ chết đứng”,bạn bè gặp nguy phải cứu giúp chứ ,mụ vợ tôi nhăn mặt
- Ối giời ơi, ông không nghe người xưa dạy “cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán”đấy à, coi chừng gặp họa đấy ,tôi quắc mắt
- Họa là thế nào, Chúng tôi sinh tử có nhau, may mà còn sống tới giờ phải giữ cái tình chứ ,mụ lại dứ ngón tay trước mặt tôi
- Này !Ông tình với cái con mẹ mướp vợ lão ấy thì có ? tôi nghe người ta kể rồi nhá, hồi cả ông với lão Ếch cùng đi B ngắn B dài gì ấy, lần nào được ra ngoài này ông cũng thậm thụt đến nhà mụ ấy! Đúng không? Đúng không…may mà hồi ấy ông chưa lấy tôi, như bây giờ thì tôi cho ông tuốt xác, mà ông có biết lão Ếch là chúa đa nghi không ,đến vợ mình lão còn không tin, ghen lồng ghen lộn lên nữa là ông ,có khi giờ này lão ấy đang nghi chính ông là đứa viết đơn tố cáo đấy, rồi đây vợ chồng nó ghét cho, bõ đời…
Phải nói phụ nữ họ rất có biệt tài trong việc giải tán đám tụ tập và phân hóa khối đoàn kết của cánh đàn ông, sau khi nhấp chén rượu dầu chổi ,rồi lại được nghe mụ vợ rất ghê gớm của tôi kể lể một loạt những huyền thoại trên thiên đường, tôi đã ngộ ra điều này ,và khỉ thật, lúc đó chí khí hào hiệp của tôi nó đã tan biến đi đâu mất. Rõ khổ đúng là mình vừa sang nhà lão Ếch về, thì công an người ta mò đến thật, lão Ếch hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ mình là thằng thầy dùi tố cáo, rồi công an nó cũng có thể nghi mình, cái thằng ở tận cuối xã mò đến để làm gì ?thông đồng tẩu tán tài sản ư, nhiều khả năng lắm, lại sẵn cái chuyện ngày xưa mấy lần thậm thụt đến nhà với chị vợ lão Ếch nữa chứ, nó mà cột vào cổ thì bố ai giải thích cho được .Chung quy là tại cái lão Ếch ấy, nó dồi dào tình cảm với vợ quá, thế nên hồi ấy mỗi dịp tôi có việc về ngoài là hắn lại gởi theo khi thì mấy cái dù pháo sáng, khi thì bọc lương khô, khi thì vài cái lược đuya la, rồi thì cái cát tút đạn pháo được lão gò thành lọ cắm hoa cứ dặn đi dặn lại là phải trao tận tay cho vợ tao. của đáng tội chị ta hồi ấy cũng xinh ,mà phụ nữ xinh thì thằng đàn ông chó nào chẳng thích ,thôi thì “tiên trách kỷ hậu trách nhân” thế là tôi tự tổng xỉ vả mình “rõ là đồ ngu, đồ rỗi hơi, đồ hiếu lạ hiếu kì đồ…đồ…tất cả các loại đồ” ai bảo tự nhiên mò đến nhà lão Ếch ấy làm gì cơ chứ ,ngày xưa mò đến nó đi một nhẽ ,còn bi giừ thì đúng là… là… không ra sao .Mất trọn buổi chiều ngồi tự kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc ,mà vưỡn thấy thấp thỏm chưa yên tâm. Sáng hôm sau một mình lên kế hoạch tác chiến, phương án 1, phương án 2, phương án 3, phương án dự phòng ,nhằm đề phòng những rủi do có thể đến với mình, cẩn thận rà soát tỉ mỉ từng phương án, đưa ra những giả thuyết, phản biện, rồi phản phản biện, chiến thuật phòng thủ trước mắt, và kế hoạch chiến lược đối phó lâu dài .Đang ngồi phân tích những diễn biến có thể xẩy ra thì vợ lão Ếch mò đến, đầu tiên là tiếng mụ vợ tôi reo lên hoan hỉ
- A ! chị Ếch mời chị vào nhà chơi, ôi dồi ôi! gặp nhau ngoài đường ngoài chợ thì nhiều mà mãi hôm nay mới được đón “Rồng” đến chơi nhà “Tôm” đấy, tiếng mụ Ếch rên rỉ nỉ non
-Ôi! May quá “mợ” tôi có nhà, “mợ” ơi là “mợ”, hôm nay có việc phải đến để mượn ông xã đằng ấy đi một lúc đây. Cứ theo thái độ của mụ vợ tôi hôm qua thì tôi nghĩ hai bà này mà gặp mặt thì sẽ phải nhảy vào đấm nhau, việc họ cùng reo vui làm tôi ngạc nghiên, nhất là khi mụ vợ tôi lại tỏ ra xởi lởi
- Được rồi ,cứ vào nhà cái đã ,anh xã em ngồi chơi không suốt ngày, chị muốn mượn bao lâu thì mượn, cơ mà các lão ấy đều già khú, trục trặc bố nó rồi còn làm ăn được gì nữa đâu! bà kia vưỡn tíu tít
- Có việc làm được, lão Ếch nhà tớ đang để cho lão ấy khối việc, câu này làm tôi hơi chột dạ…,hai bà ríu rít cùng vào tôi vội ra tiếp, vừa nhìn thấy vợ lão Ếch reo lên
- Ôi mình ơi! Mình sang giúp ông lão nhà tớ một chút đi ,lão ấy bẩu nhờ mình sang làm chứng cho bộ ấm chén đào được hôm nọ, thoáng nghe tôi hiểu ngay, vấn đề là các nhà chức trách nó không tin lão Ếch, nó cần người làm chứng ,cũng cần giải thích thêm về cách xưng hô của vợ lão Ếch với tôi, số là hồi nhỏ tôi và chị ta có mấy năm học cùng lớp, lão ếch hơn tôi mấy tuổi thì không rõ, còn chị ta khi thì bẩu hơn tôi một tuổi, khi lại khoe kém tôi một tuổi, thì thoảng gặp nhau ngoài đường nếu có cả chồng đi cùng thì xưng “Chị”đến ngọt, khi không thì ông ,tôi ,mình ,mày, tao, cậu, tớ loạn xị.Tất nhiên là tôi lập tức lên đường bất chấp cặp mắt hình viên đạn của bà xã bắn theo. Đời làm lính khiến tôi mắc phải căn bệnh chấp hành mệnh lệnh rất mãn tính ,được giao hay nhờ việc là lập tức lao đi, sau đó mới tính tới cách thực hiện, lần này cũng vậy, cất bước ra đi mà chả biết mình sẽ làm chứng kiểu nào. Ở xứ ta khi làm việc với các nhà chức trách ta bỗng thấy trí tuệ được mở ra gấp mấy ngàn lần, thậm chí hàng triệu lần, tự nhiên ta được tiếp xúc với hàng đống điều luật, hàng đống văn bản, hàng mớ những quy định pháp định, từ những cái miệng có gang có thép tuôn ra ầm ầm, toàn những thứ mà cuộc sống thường nhật sau lũy tre làng chẳng bao giờ thèm dùng đến, thèm biết đến, bởi từ ngàn đời nay ta vưỡn được cha truyền con nối một kiểu sống, một nếp sống rất an toàn , cách ứng xử rất êm ả giữa những người chân lấm tay bùn với nhau, bằng những tình nghĩa tự nhiên nó có, không như ba cái thứ văn bản kỳ lạ diễn dải rất dài dòng ,rất khó hiểu mà với cái vốn văn hóa khá khiêm tốn ta đánh vần cả năm, cả tháng vưỡn chưa xong chứ đừng nói đến việc thấm nhuần giác ngộ được nó. (còn tiếp)

Y - C




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét