Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Truyện "Ma con mẹ ranh" (tiếp theo và hết)

Vài ngày liền tôi đem khoe chuyện này cho mấy thằng bạn cùng thôn nhưng không đứa nào tin ,chúng nó bảo “Tao chưa hề nghe ai nói về truyện có ma “con mẹ ranh”, đấy là do anh mày bịa ra dọa mày thôi”, rồi tôi còn cùng mấy thằng đó lân la hỏi sang mấy người lớn tuổi bị họ mắng như hắt nước vào mặt “Làm gì có ma với mãnh nào ,mấy đứa bé nứt mắt đã bày truyện mê tín…” .Hồi lâu sau có một lần thân mẫu tôi thuê một ông già mù tới giã gạo, ở làng tôi hồi ấy là vậy những người mù có sức khỏe thường được dân làng thuê đi xay thóc giã gạo, cũng là giúp cho họ kiếm chút tiền trang trải cuộc sống ,hôm ấy tan học về thấy ông già mù đang giã gạo, tôi lẳng lặng leo lên giã đỡ ,ông cụ cười hơ hơ ,nói bâng quơ
- Hơ .hơ..hơ.. cái cối giã gạo nhà này khi thì nặng, khi thì nhẹ như có ma ấy ,tôi giả giọng ồm ồm trêu cụ
- Hừ..hừ..hừ...ma đây…ma đây…cháu là “ma con mẹ ranh” đây…  ,ông cụ dừng phắt lại quờ tay túm áo tôi, sờ đầu , nắn tay ,rồi cụ cằn nhằn
- Thằng ranh con, mày làm tao sợ hết cả hồn vía, tôi cười rất trẻ con trêu ông già  
- Cháu giả làm ma mà ông cũng sợ à?ông già tiếp tục quay lại giã gạo rồi cất giọng buồn buồn nói với tôi
- Cháu không biết được đâu, người mù như ông sống rất gần với ma ,ma hay đến chơi với ông lắm, nói ra không ai tin, ngày nào ông cũng gặp ma đấy .Tôi hào hứng tiếp lời ông cụ
- Cháu cũng vậy ông ạ! Hôm nọ cháu vừa gặp ma, thế mà kể ra không ai tin cả! thế ông có biết ma “con mẹ ranh” không ?
- Biết!…biết chứ! Ông với nó còn nói chuyện với nhau nhiều lần nữa cơ ,nửa tin nửa ngờ tôi hỏi lại ông
- Thế con ma ấy nó thế nào hả ông? Ông già hóm hỉnh
- Cháu vừa gặp nó rồi còn hỏi ông làm gì ?
- Là do anh cháu kể ,cháu muốn nghe ông kể xem có đúng như thế không , ông cụ gật gù
- Cứ giã gạo đỡ cho ông rồi ông kể cho ,tôi tiếp tục đứng gĩa gạo cùng ông để được nghe giọng kể thì thào…
- Dạo ấy đói kém lắm ,do nhiều năm liền bị mất mùa, lại kèm thêm bệnh dịch, có rất nhiều người ăn mày ăn xin từ các tỉnh xa đổ về, ngày nào cũng có người chết đói ,rồi có con bé con độ chừng 10 ,11 tuổi gì đó không biết từ đâu lạc đến… ,nghe tới đây tôi cướp lời ông
- Nó cũng đi ăn xin nhưng không ai cho nó chút gì… có phải thế không ạ ! ông già ngạc nghiên
- Đúng vậy ! đúng vậy!…,tôi khoái trí kể tiếp
- Rồi nó ra đồng ăn trộm đòng đòng lúa bị cả làng ra đuổi nhưng không bắt được nó ,có đúng không ạ ? ông già lại ngạc nghiên
- Đúng rồi cháu cũng biết à?
- Là cháu cũng nghe kể thôi , tôi hào hứng kể tiếp
- Người ta không cho nó vào làng ,nên nó bị chết đói ngoài đồng sau đó người ta mới đưa về khu nghĩa địa “mã đẻ” chôn cất ,rồi nó thành ma ở đấy có phải không ạ? ông già mù gật gù giọng nhỏ hẳn đi.
- Đúng rồi đấy cháu! Nhưng còn có điều này nữa kia, khi người ta đưa con bé về chôn thì thấy hai tay nó còn ôm chặt nơi bụng nó một con cá rất to. Rõ khổ, nó đã không dám lấy trộm đòng đòng lúa nữa mà đi tìm bắt cá để ăn, nhưng người ta không cho nó vào làng ,nó không nấu cá làm thức ăn được ,thế nên nó chết đói !về sau nghĩ đến chuyện này nhiều người xấu hổ ,lòng ích kỷ nhỏ nhen của họ đã làm con bé bị chết đói oan ,không ai dám kể lại vì ai cũng cảm thấy mình có lỗi, vậy nên cho đến giờ còn rất ít người biết truyện con ma này ,tự nhiên tôi thấy buồn buồn
- Đứa bé khổ quá cụ nhỉ, bi giờ làm ma vưỡn khổ,cứ đi dò dẫm ngoài đồng, đường trơn ngã lên ngã xuống, hôm rồi cháu thấy nó bị ngã mấy lần đấy, giọng ông già mù bỗng trở nên xa xôi
- Sống khổ thì khi chết làm ma cũng vẫn khổ, giá gặp được người thành tâm, đọc cho nó bài kinh siêu thoát để được luân hồi sang kiếp khác, họa chăng mới thoát được ,tôi phân vân hỏi
- Tại sao bao lâu nay không ai đọc cho nó bài kinh ấy ?ông cụ cười nhẹ
- Có ai biết tên tuổi của nó là gì, quê quán nó ở đâu đâu ,mà đọc .
Truyện buồn quá tôi chẳng muốn nghe tiếp nữa, một lát sau giã xong cối gạo đưa ông cụ ra tới cổng tự nhiên tôi lại hỏi
- Ai biết bài kinh siêu thoát ấy cụ nhỉ, ông cười hà hà
- Chỉ có thày cúng với thày chùa biết thôi… .
Rồi mọi truyện cũng qua đi, mọi người ở xóm này vưỡn cứ sống bình thường, riêng với tôi mỗi lần có việc phải đi qua khu “mã đẻ” sang “bờ đơm” vưỡn cảm thấy có điều gì đó ám ảnh, thế rồi một lần thân mẫu tôi đem thóc ra sân chùa gần nhà phơi nhờ ,vì sân nhà tôi không có lát gạch không phơi được, tôi được mẹ giao ra trông thóc .Công việc rất đơn giản, nhà chùa không nuôi gà, với lại hồi ấy người ta đang bài trừ mê tín ,cũng không có người đến lễ nên chùa rất vắng ,công việc của tôi thỉnh thoảng ra đảo thóc cho mau khô, kẻ phá hoại nguy hiểm nhất lúc bấy giờ là bọn chim sẻ, cả bầy đàn rất đông, chúng làm tổ giữa khe những viên ngói trên mái chùa, bọn này rất dạn người, chúng không hề biết sợ, thấy có thóc là kéo cả bày sà xuống ăn, đuổi đầu này chúng ăn đầu kia, tức mình tôi lấy khúc gậy tre ném lung tung, sư thầy đang tụng kinh nghe tiếng gậy rơi loảng xoảng ra xem , thấy vậy người khuyên tôi
- Không muốn cho chim ăn thì con lấy gậy xua đuổi là nó khác bay đi ,đừng ném bậy thế, chẳng may trúng phải con chim nó chết ra đấy là con mắc tội với trời phật, kiếp sau lại phải luân hồi đầu thai làm kiếp chim đấy, hồi ấy tôi đang là đứa trẻ rất hồn nhiên nên tôi đã đáp lời sư thầy cũng rất hồn nhiên
- Làm kiếp chim thích chứ, không phải làm việc ,lại biết bay, thích chơi ở đâu bay vèo một cái dến ngay, thày cười ,gõ nhẹ cái quạt vào đầu tôi
- Bá ngọ thằng tiểu đồng lém lỉnh này dám cãi lời thầy. Sống kiếp gì cũng phải nhân từ, khỏi khi thác xuống không siêu thoát được , thành cô hồn vất vưởng cực lắm ,nghe thầy nói “siêu thoát” tự nhiên tôi nhớ đến ma “con mẹ ranh” liền hỏi thầy
- Ngoài đồng làng mình có con ma không có tội sao không được siêu thoát hả thầy, thầy hỏi, ma nào tôi kể lại câu truyện gặp ma “con mẹ ranh” ở “bờ đơm” cho thầy nghe ,sau thoáng trầm tư thầy bảo,
- Trời phật từ bi, luôn mong muốn các sinh linh siêu thoát để được luân hồi, nhưng do nghiệp chướng đưa đẩy cơ duyên nên có phận cứ tự như dây buộc ,không cho đường siêu thoát, ví như khi người ta chết trong hỉ, nộ, ái, ố thái quá ,cảm xúc quá mạnh làm cho vong linh nặng nề u uất khiến nó không thể tan ra mà bay lên. Hồn ma con gặp ,còn là đứa trẻ con, trong lòng nó nỗi nhớ mẹ là bao trùm nhất, khi sắp chết phải cô đơn một mình ngoài đồng vắng chắc là nó mong mẹ lắm ,nó chết trong nỗi nhớ nhung đến tột cùng, niềm thương nhớ còn đeo nặng vào lòng thì làm sao mà siêu thoát .Thầy cho con khẩu quyết, ra nơi gặp con ma ấy đọc lên rồi bảo nó về chùa, qua cửa phật chỉ dẫn cho gặp được mẹ là nó sẽ nhẹ lòng mà siêu thoát thôi ,rồi thầy đọc khẩu quyết, không dài lắm, tôi nhẩm thuộc .Đêm rằm tháng ấy tôi mò ra đường “bờ đơm”nơi tiếp giáp với bãi tha ma “mã đẻ”đọc 3 lần khẩu quyết
Nam Mô A Di Đa Bà Dạ
   Đa tha dà đa dạ
          Đa điệt dạ tha
   Adi rị đô bà tỳ
   A di rị đa tất đam bà tỳ
   A di rị đa tỳ ca lan đế
   A di rị đa tỳ ca lan đa
          Dà di nị dà dà na                   
          Chi đa ca lệ ta bà ha”
Rồi thầm khấn “hồn ma mẹ ranh ở đâu mau về chùa ,Phật chỉ đường cho gặp mẹ”.Chẳng biết có linh không nhưng từ đấy tự nhiên hết canh cánh về con ma đó.
 Có lẽ phải đến mấy tháng sau,khi ấy anh em tôi đều chuyển lên học lớp trên ,cũng vào dịp vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa ,hôm ấy phiên chợ Bưởi, thân mẫu tôi đi chợ, có gánh theo một gánh thóc để thuê người ta xay xát (hồi ấy làng tôi chưa nhà ai có máy này)trước khi đi bà dặn tôi
- Tan buổi học nhớ ra đầu chợ Bưởi gánh gạo về cho mẹ .
Trưa ấy tan trường về tôi cất sách vở rồi phi ngay ra đường “cầu ngói”, lại nói từ làng tôi ra chợ Bưởi có những 2 lối đi, lối chính đi qua pháo đài Xuân Tảo (sau này cơ quan tổng cục 2 về đóng quân bà con vưỡn gọi là công trường 2) sau đó theo ven hồ tây, qua làng Nghè là tới Bưởi đường này dễ đi nhưng xa, đường thứ hai là lối đi tắt qua cánh đồng ,nối liền giữa hai làng Xuân Tảo với Bái Ân ,làng Bái Ân là kề ngay với Bưởi, đó cũng chỉ là những bờ ruộng được người ta đắp to ra thành đường mòn để dân hai làng đi làm đồng ,đoạn giữa con đường có bãi đất hoang khá rộng liền ngay bên mương nước lớn ,có nhà hảo tâm xây lên một nếp nhà nhỏ khoảng 20 mét vuông ,lấy làm nơi nghỉ trưa cho những người làm đồng quanh đấy, hoặc những người cơ nhỡ đi ngang qua gặp mưa tránh mưa, gặp nắng tránh nắng ,người vùng tôi gọi đó là cái cầu, lại được lợp ngói đỏ đàng hoàng, nên gọi là cầu ngói. Tôi chạy lon ton giữa cánh đồng vắng ngắt, sau này nhớ lại, thấy ông Trịnh công Sơn nói quá đúng “Đời sao im vắng ,như đồng lúa gặt xong ,như rừng núi bỏ hoang…”,trời hơi se lạnh ,buổi trưa không có nắng, cánh đồng hoang vắng đến rợn người, mênh mông những gốc rạ cao thấp, nhấp nhô, hòa trộn với màu nâu đất trải rộng tít tắp, những đụn rạ xếp tạm trên bờ mấy thửa ruộng ngập nước nom như dáng mấy bác nông dân lam lũ đang lom khom dọn bờ , ngang qua chỗ “cầu ngói”có vệt nước ai đổ loang trên mặt đường tôi vô tình dẫm phải, cảm giác trơn tuột, theo phản xạ tôi ngồi xuống và tránh được cú ngã trời giáng ,có tiếng vỗ tay bốp bốp kèm tiếng cười khanh khách, rồi tiếng con gái thẽ thọt “một nhát” nghe quen quá tôi đứng lên thì thấy có hai người, một phụ nữ đã đứng tuổi và một đứa con gái trạc tuổi tôi đang dùng hai chiếc rổ to tướng súc cá hay tôm gì đó dưới mương nước ven đường, có lẽ họ là hai mẹ con. Ở làng tôi từ bao đời nay vưỡn vậy, vì gần hồ tây, lại có mấy khu đồng sâu ngập nước, với rất nhiều mương máng, người xưa đào vừa làm thủy lợi, vừa làm đường thủy chở lúa từ đồng xa về làng ,ở đấy luôn có nhiều tôm cá ,hàng năm, sau vụ gặt thường có những đoàn người không biết từ đâu,mang theo những đồ nghề rất lạ, đến vùng tôi đánh bắt tôm cá, mẹ con bà này chắc cũng vậy thôi, nhưng điệu cười của nó làm tôi nhớ đến con ma tôi gặp ở “bờ đơm” nên đứng hẳn lại để nhìn cho kỹ thì thấy đó là một khuôn mặt rất khả ái, cũng đang nhìn tôi cười thật hiền,không thể là ma được nghĩ vậy, tôi toan đi tiếp thì con bé ấy chao cái rổ to đùng xuống nước ,một con cá to tổ chảng nhảy vọt lên ,cha mẹ ơi, con cá to quá, là một thằng nghịch ngợm, nhiều lần lội đồng, lội ao, lội mương bắt cá nhưng tôi thề có hà bá là tôi chưa có khi nào may mắn sờ được vào con cá to như vậy dù chỉ là bắt trượt, con bé này đúng là gặp may, tôi thầm ghen tị với nó, hình như đoán được điều này nó đưa mắt nhìn tôi cười rất tươi rồi lại chao rổ nhát nữa, con cá lại nhảy vọt lên, trời đất ơi hấp dẫn quá ,nếu nó là thằng con trai thì tôi đã cởi quần áo ra mà lao xuống nước để tranh nhau bắt con cá với nó ,nhưng nó lại là đứa con gái…!! nó lại chao cái rổ xuống, con cá nhảy lên rơi xuống lại nhảy lên hai lần liền, không thể đừng được tôi thò bàn chân trái xuống dưới mép nước lần trúng một cái hang cua xỏ chân vào đấy mà đứng chân phải để lò cò ,tay trái quắp chắc vào đám cỏ ven đường, tay phải thủ thế sẵn sàng “chộp”nếu con cá nhảy về phía tôi, đứa con gái lại chao cái rổ ngay trước chỗ tôi đứng, cái vành rổ tròn xoe, to gần bằng cái nia bềnh lên trước mặt nhưng không thấy con cá nhảy lên, tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng cho cái số hẩm hiu của mình ,thì chợt nhìn thấy cái gì đó giống như đuôi con cá vẫy róc róc bên ngoài chiếc rổ ngay nơi chân mình, khoái quá, thò tay phải đang rảnh xuống chộp ngay ,con cá hiền ơi là hiền , không quẫy , không chống cự tí nào ,tôi nắm thật chắc kéo nó lên, trời đất ạ, hóa ra không phải cá mà là bàn tay con bé ấy,dù rất bối rối tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra là tay con bé có khả năng vươn dài đến kỳ lạ ,tôi chưa biết sử trí ra sao thì nó cũng nắm lại, nắm rất chặt và lạnh ghê người, cảm giác giống in hệt như lần tôi bị “ma con mẹ ranh” nắm tay ở “bờ đơm” nó rung rung cánh tay như bạn bè lâu ngày gặp bắt tay nhau, điều đó khiến tôi yên tâm không cảm thấy sợ, con bé vẫn nhìn tôi với nét mặt dịu dàng ,khuôn mặt trái xoan của nó phải nói là đẹp ,ở đó hội đủ những nét hay ho của mấy đứa con gái mà ở tuổi tôi bấy giờ cảm nhận được ,có tiếng mẹ nó gọi,lần này tôi cảm nhận rất rõ, nó vọng lên từ trong tâm thức chứ không phải từ bên ngoài
- Con chào cậu ấy đi rồi mẹ con mình về nhà ,nó thả tay ra, tôi nhảy tót lên đường đứng nhìn ,nhẹ nhàng cho hai tay vào rổ, nó nâng lên một con cá to quá, giống in hệt, con cá đã chui vào “đó” của anh em tôi hồi nào, có điều con cá vẫn đang sống và quẫy rất mạnh ,xong rồi nhẹ nhàng thả con cá ra ngoài mương nước ,tôi nhìn rõ con cá còn nhảy lên trước khi bơi vút theo lối mương thông ra sông nhuệ, rồi con bé ngượng ngịu hua hua tay như chào, tôi thấy bàn tay mình tự dưng ấm lên và tôi cũng hua tay chào lại, ánh mắt nó mới dịu dàng làm sao và còn pha thêm chút e lệ, thân thiết quá, không thể là ma được, nó là hình mẫu của đứa bạn gái mà từ trong sâu thẳm mơ hồ tôi hằng ao ước mà chưa có được, nhớ đến những hoàn cảnh những lần từng nắm tay nó, trái tim thằng con trai tự dưng xấu hổ, tôi quay mặt toan bước đi, có cái gì lưu luyến quá, nó níu kéo khiến tôi phải quay lại thì tuyệt nhiên không còn thấy gì nữa, trời đất như vừa được thay bằng một không gian mới ,hai mẹ con họ đã biến đâu mất, chỉ còn cánh đồng mênh mông trong hiu quạnh như nó vẫn hiu quạnh bấy nay, dòng mương vẫn lăn tăn lấp lánh như bao ngày qua nó từng lăn tăn lấp lánh ,không còn chút dấu ấn nào về sự hiện hữu của hai bóng hình tôi vừa gặp gỡ, kể cả vệt nước đổ ra đường làm tôi xuýt ngã cũng không còn., sự biến đi đột ngột làm tôi hụt hững giống như mình vừa mất cái gì quý lắm, lòng đứa trẻ con trào lên cảm giác nao nao “bỗng dưng muốn khóc” để trấn an nó tôi cắm đầu chạy hết sức ,một loáng đến đầu chợ Bưởi ,mẹ tôi đang chờ, bà khen tôi tới sớm, tôi lẳng lặng đón gánh gạo gánh đi một mạch theo đường ven hồ tây, tôi không quay về đường Cầu Ngói mặc dù nó gần, tôi muốn lưu giữ hình ảnh hai mẹ con con ma ấy .
Gánh gạo về tới nhà một lát thì ông anh trai tôi học trường xa cũng lục cục về ,tôi đem truyện gặp ma ra khoe
- Trưa nay lúc qua cầu ngói em lại vừa gặp “ma con mẹ ranh”anh tôi ngơ ngác
- Ma con mẹ ranh nào?,tôi phân trần
- Con ma em gặp ở đường “bờ đơm” lần trước anh kể đấy!, anh tôi lắc đầu
- Tao kể hồi nào đâu, tao còn chưa nghe ai nói là có “ma con mẹ ranh” kia, tôi nhìn ổng chăm chăm quái lạ thật, rõ là ông kể cho mình giờ lại bảo là không, rồi bỗng chợt hiểu ra tôi gật gù reo lên
- Đúng rồi…đúng rồi ,hôm ấy anh ăn cái đầu cá nên kể ra được, hôm nay con cá ấy người ta thả ra sông, nó bơi đi rồi nên anh quên hết là phải  thôi….


Y - C

5 nhận xét:

  1. Thật ui hay giả? Mình không tin là có ma

    Trả lờiXóa
  2. Sắc sắc không không cho là thật thì nó là thật, bảo la giả thì nó là giả ,những câu truyện về ma luôn là như vậy Cát ạ ,chúc ngày mới vui vẻ nha

    Trả lờiXóa
  3. Trả lời
    1. cám ơn lão cóc, lâu rùi mới gặp đang mong mưa cho bớt nóng đây,chúc cóc luôn vui khỏe nha

      Xóa
  4. Bác ơi, truyện này hay quá, cháu sẽ nghĩ đây là truyện thật để cảm thấy cuộc sống này đẹp đẽ hơn. Bác có phải nhà văn không, nếu bác có xuất bản sách thì xin cho biết để cháu tìm đọc. Cảm ơn bác

    Trả lờiXóa