Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Lão xẩm (từ Yahoo blog)

Lão sẩm

Category: , Tag:
11/25/2011 07:24 pm
Hồi ấy tôi hay đi trên tuyến xe điện từ Hà Đông về Hà Nội .
Hồi ấy Hà Đông còn là một tỉnh riêng chưa sáp nhập lung tung như sau này... .
Hồi ấy tôi còn ít tuổi ,đang là học sinh cấp ba...

Hôm ấy lên xe ngồi một lúc lâu mà vẫn thấy cái bục của bác lái xe trống trơn ,anh bán vé dạo đi dạo lại mấy lần trên cả ba toa mà xe vẫn chưa chuyển bánh ,mân mê chiếc vé trên tay ,tôi lo lắng, tình hình này không biết khi nào mới về được nhà vì đường về nhà tôi phải đi trọn cả hai tuyến xe điện ,tới bờ hồ phải tăng bo chuyển nữa để về chợ Bưởi và còn phải đi bộ vài cây số nữa , đau khổ nghĩ đến mấy khúc đường qua cánh đồng vắng mà lo thắt cả ruột,cùng tâm trạng với tôi,nhiều hành khách thở dài ngao ngán .Chán chê mới thấy một bác già đủng đỉnh từ trong quán phở bước ra,mọi người reo lên mừng rỡ
- Đây rồi... bố già ơi...đi nhanh một tí cho con nhờ...  .Bác già lững thững bước lên đứng trước bục lái,mặt tỉnh bơ.
- Ga cuối phải đỗ lâu chờ khách chứ, bà con thông cảm ,nói rồi bác ngồi xuống ghế ,vắt chân chữ ngũ ,gỡ cái tăm trên tai xuống xỉa răng, mắt nhìn lơ đãng lên mấy ngọn mấy cây xà cừ trồng ven đường,chẳng biết có cái khỉ mốc gì trên đó
- Lâu quá rồi, đi đi cụ ơi!... ,tiếng ai đó giục từ cuối xe ,mọi người hùa theo
- ...đi đi thôi...chờ lâu quá  .Bác lái điềm tĩnh cúi xuống ngó nghiêng, chiêm ngưỡng mấy ngón chân đang ngoáy ngoáy trong đôi dép cao su quai rút kiểu Bình Trị Thiên mà bác vừa mất công xếp hàng mua được trong cửa hàng bách hóa thị xã, thủng thẳng
- Từ từ...còn sớm chán... ,tiếng trẻ con khóc ré lên, tiếng thúc giục lại nhao nhao nổi lên
- Đi đi thôi nóng thế này ngồi mà chờ nữa thì chết mất. Bác lái xe lúc ấy mới xoay người về phía trước chuẩn bi cho xe chạy ,có tiếng cái gì va lục cục ở lối lên xuống, chiếc xích chắn nơi cửa xe để giữ an toàn cho khách reo rung reng, ai đó rít qua kẽ răng
- Làm mả bố nó gì mà bây giờ mới lên xe..., tiếng cười nhăn nhở
- hề hề...em nhớ sai giờ quan anh thông cảm, tiếng thằng trẻ con leo lẻo
- Không đông...tầu hôm nay không đông bằng hôm qua... ai đó cằn nhằn
- Đông cái mả nhà anh, nhìn thấy chó gì mà bẻo lẻo ,muốn lèn người ta đến chết à?tiếng anh bán vé quát
- thôi ổn định chỗ đi rồi anh giật giây cái chuông ở cuối toa“Bong bong”từ chỗ mình bác lái cũng giật giây cái chuông ngay trên đầu “Bong bong bong” đáp lại, cái xe chồm lên một phát rồi từ từ chuyển bánh trong tiếng xì sào, xuýt xoa bái phục“Điện có khác giật đến là mạnh”... Xe chạy ro ro qua khu đồng trống, gió lồng lộng mát rượi,tôi quay hẳn ra phía cửa sổ, nới mấy chiếc cúc áo,khoan khoái đón luồng mát bỗng phía sau tiếng thằng bé quát tướng lên“Này con mụ kia,làm gì mà thập thò ở cửa nhà quan thế hử?” tiếng phụ nữ phều phào“Dạ...dạ con xin quan tha cho...con đến đây tìm chồng ạ...” “Tìm chồng sao lại vào cửa nhà quan” “Dạ chồng con cũng làm quan ạ”... hóa ra hai người nhà xẩm đang diễn tích tuồng “Bao Công sử án Trần thế Mỹ”,được“mô ni phê”theo kiểu rất sẩm,tôi quay lại, lúc này mới có dịp nhìn kỹ hai kẻ lên xe muộn màng khiến nhiều người bực tức, trong đó có tôi .Họ là những người chuyên hát sẩm trên các chuyến xe điện ,người phụ nữ đã lớn tuổi đẫy đà nhưng da vàng bủng, dáng vẻ mệt mỏi môi ăn trầu cắn chỉ đến thâm lại, thằng bé chắc phải kém tôi vài tuổi gày quắt và đen đúa, đặc biệt hai mắt bị dị tật,chỉ toàn tròng trắng ,nhìn thấy ghê ghê , lúc nào cũng như đang trợn mắt lườm dọa người ta ,bù lại vẻ bên ngoài xấu xí nó hát rất nhiệt tình,xong phần mình nó lại hếch mặt chờ khi bên kia vừa dứt đoạn là chộp vào hát phần của mình ngay,có lần quá nhiệt tình bà kia chưa hát xong nó đã hát chèn vào,bị bà ấy dí ngón tay vào trán đẩy cho mấy phát. Điều gì đó khiến tôi ấn tượng khuôn mặt này,có lẽ là sự trái ngược giữa cái mắt lúc nào cũng như trợn lên dọa đời với cái miệng luôn toe toét tươi cười, mà cũng có thể còn vì sự cảm phục nghị lực dám đương đầu mà vui sống của nó, vậy nên lần thứ hai gặp là tôi nhận ra ngay.
Lần ấy xảy ra khi tôi đã nhập ngũ ,sau trận máy bay Mỹ đánh kho xăng Đức Giang và ga xe lửa Gia Lâm đơn vị chúng tôi cơ động về vùng này .Thị trấn Gia Lâm người xe vẫn tấp nập hàng quán vẫn đông đúc ,mặc dù cạnh đó là nhà ga xe lửa đã bị máy bay oanh tạc tan hoang ,từ trận địa ngắm cái cảnh ấy, chàng lính trẻ nào cũng thích được vào đấy hòa đồng một lần ,nhưng kỷ luật quân đội thời chiến rất nghiêm ,trực chiến trăm phần trăm cả thời gian và quân số ,trừ trường hợp đặc biệt ,lần ấy tôi được vào thị trấn ,với lý do đi cắt tóc,tất nhiên phải vác theo ba lô,vì anh em nhờ mua các đồ lặt vặt nhiều lắm,kem đánh răng,khăn mặt,giấy viết thư,tem gửi thư, bì thư ,sổ tay, khăn tay, quần đùi, áo may ô v..v... tới việc chuyển hộ hàng đống thư vào hòm thư bưu điện ,toàn những thứ không thể từ chối. Sau khi cắt tóc xong là tôi hối hả đi bỏ thư rồi lao vào các cửa hàng bách hóa trong thị trấn mà cũng chỉ mua được lèo tèo vài tập giấy viết thư,mấy chục con tem, vài quyển vở còn những thứ khác không có, gần trưa vừa đói vừa khát, mò vào cửa hàng ăn uống định làm bát phở không người lái nhưng nhà hàng thông báo, không có phở chỉ có bia hơi,vốn không thích bia nhưng đang khát tôi cũng làm một vại, thấy bên trong đông, tôi ngồi ngay xuống chiếc ghế cạnh cửa ra vào ,hớp được một hớp thì từ trong ấy tiếng sáo véo von vang lên ,quay vào tôi nhận ngay ra lão, hai mắt trắng dã hấp háy trên cây sáo trúc còn khá mới, lão cao lên nhiều ,không còn đen đúa như xưa ,bưng cốc bia đến ngồi cạnh,chẳng biết là ai hắn cũng gật đầu chào , tôi mở đầu trước
- Không hát ở trên xe điện nữa sao mà lại sang đây
- Dạ chị cả bị bắt không có người diễn nên em sang đây thổi sáo một mình
- Sao bị bắt?
- Người ta bảo chị ấy lười lao động nên phải tập trung đến nông trường lao động .Em mù ,vẫn được hát nhưng có một mình đành chuyển sang thổi sáo phục vụ bà con, họ bảo đi sơ tán nên không ở trên xe điện nữa ,chuyển sang bên này kiếm ăn
- Nhớ tớ không?
- Em có nhiều người hâm mộ lắm, nhớ sao hết
- Tớ hay đi chuyến xe điện Hà Đông ,Hà Nội nên hay nghe đằng ấy hát...
- Phúc nhà em lớn ,bọn xẩm chúng em hát ra rả như lũ ve sầu làm gì có ai nhớ ,được anh nhớ thế là em sướng đấy ,tôi ấn vào tay hắn cốc bia uống dở ,hắn đỡ lấy ngửa cổ làm một hơi hết sạch ,
- Em thổi anh nghe nhá rồi đưa sáo lên môi, điệu nhạc cất lên tôi nhận ra bài “Vui gặp gỡ” Nhạc công tài hoa Phùng Tử Tồn người Trung Quốc từng biểu diễn ở Hà nội(sau bị tai nạn chết đuối ở hồ tây) và được phát nhiều lần trên loa truyền thanh một thời, tiếng sáo dứt,tiếng xuýt xoa khen ngợi vang lên, một thanh niên bưng cốc bia nữa đến
- Hay...hay... uống đi còn bài nào hay thổi lên ,đỡ cốc bia ,làm một tợp hắn dạo một khúc nhạc khá du dương , lại mấy tay nữa mang bia đến
- Uống đi... thổi bài nào vui vào, mai cánh tớ phải chở hàng vào khu 4 đấy ,tôi kéo ghế ra bàn bên, ngồi cạnh bác công nhân già, nhường chỗ cho những người hâm mộ mới ,khúc nhạc bài “Quảng Bình quê ta ơi” cất lên réo rắt ,bác già quay sang tôi
- Thằng này đến đái ra bia mất ,từ sáng đến giờ toàn người cho bia, không có phở nên chẳng ai cho ăn miếng gì,thế mà thổi sáo được thì tài thật! ,nhìn đồng hồ đeo trên tay bác, thấy đã muộn giờ, lục ba lô lấy gói kẹo hôm trước đoàn đai biểu địa phương ra thăm trận địa và cho quà bộ đội ,tổ tôi được một gói mấy đứa không ăn giao cho tôi cất, phòng khi ai được về thăm nhà thì có cái mang về làm quà, tôi ấn gói kẹo vào tay hắn vỗ vai
-Thôi muộn rồi tớ về nhá gặp lại nữa thì hay quá... ,hắn cầm gói kẹo nắm tay tôi sờ vào áo cười
- Anh đi bộ đội rồi à ,thế nào giang hồ cũng tái ngộ , anh đi khỏe nha ,hắn nắm tay tôi lắc lắc mấy cái rồi chắp tay vái vái như kiểu chào trong tích tuồng hắn vẫn diễn...
Lần tiếp đấy tôi thấy hắn trên chuyến xe lửa Hà Nội-Lào Cai, hôm ấy hình như là ngày nghỉ,người ta đi thăm nhau thời sơ tán rất đông, đến ga Yên Viên người lên như nêm,tôi phải nhoai ra gần cửa sổ để hít thở không khí, có tiếng ậm ọe ,rột rột rồi có tiếng người gào tướng lên
- Tại sao các người không để cho tôi hát?... Báo cáo bà con,trong toa có kẻ phản động ,nó không cho tôi hát phục vụ bà con, nó dứt dây loa dây điện làm tôi không hát được , tôi quay lại, nhận ngay ra lão, mồ hôi nhễ nhại,một tay cầm cây ghi ta cũ,tay kia cầm chiếc mig cũ kỹ vừa quành ra quắp cái quai túi rết trong đựng cục acquy, nơi quai túi còn đeo cái loa sắt lủng lẳng .Thực ra không ai nỡ giật tuột giây của lão chẳng qua vì tàu đông quá,chen nhau tự nó tuột lão gào một hồi nữa rồi không chịu nổi phải xuống, tầu chạy tôi tiếc là không nói chuyện được với lão.
Sau ngày hòa bình tôi có gặp lão một lần trên tàu thống nhất,đôi mắt trắng dã được lão che bằng cặp kính đen với cây ghi ta cà khổ, hắn ca những bài học được trong băng nhạc Chế Linh chất giọng cũng mùi mẫn phết ,lão khoe vào trong nam rất dễ kiếm nhưng tiêu cũng tốn, lão bảo ông già nhà lão mới mất, dòng họ gọi về giữ hương hỏa ,tưởng lão cùng đi một mạch với mình, không ngờ đến ga, tàu đỗ, lão xuống, lão bảo phải lân la cá kiếm một chút kẻo mang tiếng đi làm ăn xa về quê mà không có xu dính túi ,trước khi chia tay lão bảo “gặp anh là may lắm thế nào cũng có tiền đem về ,thôi hẹn gặp trên xe điện Hà Đông - Hà Nội nhé” rồi chắp tay chào rất tuồng .Khi tôi chuyển về Hà nội thì chẳng còn chiếc xe điện nào nữa, đường ray xe điện cũng bị bóc đi từ đời nảo đời nào thế là tôi cũng quên lão luôn, quên như chưa từng gặp
Nhưng sự đời lắm cái không ngờ ,tôi và lão lại gặp nhau ,thế mới thần tình .số là tôi có thằng bạn xưa cùng đơn vị,hắn tốt nghiệp học viện chính trị ,được điều về làm trợ lý văn hóa văn nghệ, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ .Trợ lý văn hóa văn nghệ với chủ nhiệm câu lạc bộ thì có đầy,trong thời buổi chính trị là thống soái chẳng đơn vị nào khuyết được chân này ,có điều thằng cha này ngoài việc cờ đèn kèn pháo cũng ti toe viết lách,còn tôi được tiếng có hoa tay nên hay bị đơn vị cử lên giúp hắn trang trí hội trường, câu lạc bộ, thế là quen nhau .Một lần viết bài xong hắn đưa tôi xem nhờ góp ý, vốn chẳng ưa gì món văn chương nhưng được hắn nhờ tôi cứ bốc phét đại ,nào là câu này chưa chuẩn ,câu này phải sửa thế này mới nổi ý, phần này rườm ra cắt bỏ bài viết mới cô đọng v..v... thế quái nào bài ấy lại được đăng trên báo ngành ,nó lại thuộc thể loại biểu dương thành tích ,thúc đẩy phong trào nên được ông chính ủy đặc biệt tâm đắc ,rồi chẳng biết ai thầy dùi, hắn bày trò xây dựng phòng truyền thống, nói là để lưu giữ thành tích đơn vị nhưng thực ra là ghi lại dấu ấn của các thủ trưởng, thế là các thủ trưởng duyệt ngay, để có cái trưng bày phải có bài ,có ảnh ,hắn được cấp kinh phí làm việc này và được phép lấy người hỗ trợ ,hắn chấm tôi, thế là tôi bị rút lên ban chính trị phụ giúp hắn, thành phóng viên bất đắc dĩ ,hắn lôi tôi đi nhiều nơi,vào nam ,ra bắc,chụp hàng lô ảnh, viết cả đống bài,hắn viết tôi sửa,lẽo đẽo mấy tháng trời, xong việc tôi được trả về đơn vị,hắn được cấp trên rút lên làm công tác tuyên huấn tuyên giáo gì đó nghe đâu chức cũng khá to . Đùng một cái có tin hắn trở thành nhà văn ,hội viên hội nhà văn hẳn hoi thế mới tài, hắn vẫn quý tôi,thỉnh thoảng đi chơi với hắn, gặp ai hắn cũng giới thiệu “đây là thằng bạn chí thân từ thủa hàn vi”,tôi cũng quý hắn vì hắn nổi tiếng,ai chả thích có bạn nổi tiếng,nhất lại là nhà văn .Đi công việc,chẳng may gặp đối tác rắn mặt, lúc nào cũng cương cương coi trời bằng vung, chỉ cần nói thằng nhà văn XX nổi tiếng ấy là bạn thân tao đấy, thế là thằng kia xỉu xuống ngay, lập tức hiện nguyên hình “cò lả”.Ấy là nói vậy, thực ra hồi còn đi làm chả mấy khi gặp hắn ,thứ nhất là vì hắn làm to ít thời gian khó gặp, thứ hai vì vợ hắn tưởng chồng mình chúa lắm thấy khách vào mặt cứ chiêng lên chín từng mây, đau cả mắt, thứ ba mình hay mặc cảm cái điều thiên hạ truyền khẩu“Nhà văn nói láo”nên cũng ngại bị người ta hiểu lầm lây.
Từ ngày mình về Hà Nội hắn hay ghé nhà chơi ,tiện đường về thủ đô họp hành hắn tạt vào luôn,nghe đâu hắn chuyển sang làm cho một tờ báo khá lớn, một lần chắc đi công truyện chi đó về qua, hắn đánh xe con vào tận nhà rủ lên quê hắn ăn giỗ họ, Mình đâu có họ hàng gì với nhà hắn,nhưng hắn rủ thì mình đi, tới cổng làng thấy có mấy người đứng đón ,tưởng đón mình hóa ra đón hắn ,họ vồ vập ríu rít,bắt tay,ôm vai ,vuốt má, xoa đầu ,được hắn giới thiệu là bạn, mình cũng thấy hãnh diện,đi một đoạn nữa thấy một người đi ngược trở ra tay chống gậy,tay hua hua không khí,mồm oang oang
- Thằng nhà văn,nhà báo về chưa, hắn chạy lại đỡ người kia
- Bác Tư...bác ra đây làm gì, lỡ đứa nào nó tông xe vào cho một phát thì chết bỏ đời... ,người kia vẫn cái giọng oang oang
- Đứa nào muốn tông chết tư sẩm này còn phải tu luyện 10 đời 9 kiếp, đây bôn ba phiêu bạt giang hồ gần trọn đời chưa một lần bị xe quệt phải, giờ về sống ở quê sao có truyện ấy được ,nhìn lão tôi ngờ ngợ
- Có phải là bác sẩm ngày xưa vẫn hay hát trên tàu điện Hà Đông - Hà Nội không... ,Lão quay ngoắt lại,hướng về tôi
- Hơ hơ..giọng ông nào nghe quen thế nhỉ...
- Ngày xưa vẫn đi xe điện cùng ,vẫn nghe ông hát ở tuyến xe điện Hà Đông - Hà Nội đấy mà
- Ha...ha...nhận ra rồi...nhận ra giọng này rồi, đại ca cho em gói kẹo ở Gia Lâm đây ,đúng không?
- Kẹo nào ,chỉ được cái nhớ lâu...
- Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời mà lỵ, hôm ấy mà không có gói kẹo anh cho thì em té sỉu...chậc chậc...cái thời buổi chiến tranh, giang hồ lắm bước chuân chiên quá anh nhỉ.
- May mà nó qua rồi, bây giờ ông sống thế nào
- Cũng gọi là được,anh vào đi, lát nữa sang em chơi,em với thằng này là anh em thúc bá ,giỗ họ này mọi người cùng góp nhưng nó là chủ chi chính,em là chủ trì chính đấy ,anh là bạn nó ,lại là đại ca của em hôm nay đúng là đại hỷ ,thấy tôi với lão sẩm nói truyện thân mật thằng nhà văn ngạc nghiên
- Ô hai người quen nhau à?...,lão sẩm vung tay
- Quen,Quý, thân, như Bá Nha ,Tử kỳ ấy chứ
- Ôi chết...các ông quen nhau kiểu gì mà ghê thế
- Đại ca đây là thính giả ưu tú từ những ngày anh còn bé tí theo chị cả hát sẩm trên xe điện, từng nghe anh thổi sáo dưới khói xăng dạo cháy kho Đức Giang bên Gia Lâm ,từng nghe anh hát rồi cùng hàn huyên trên chuyến tàu thống nhất khi nó chạy những chuyến đầu tiên sau hòa bình... ,tôi bổ xung thêm
- Từng nghe bác Tư gào thét trên tuyến đường sắt Hà Nội ,Lào Cai ,lão cười hì hì
- Lại cả đận ấy đại ca cũng biết à, mẹ cha nó thời chiến mà sao tàu xe hồi ấy đông thế không biết... thôi vào làm lễ ,xong việc sang em, còn khối truyện hay,truyện của em thực và hay gấp vạn lần truyện của thằng nhà văn này ,lão sẩm vừa nói vừa vỗ vỗ vào vai thằng nhà văn...
Cỗ bàn xong lão sẩm kéo tôi về, nhà lão liền vách với nhà của tay nhà văn, kề bên nhà thờ họ, tay nhà văn cùng sang theo , một bà từ trong nhà đi ra
- Bác với chú vào nhà chơi ạ! Lão sẩm hua tay
- hơ hơ bà về rồi à không ở bên ấy don dẹp à..., giới thiệu với đại ca, đây là bà xã em, mỹ nhân trong lòng em đấy, bà vợ ngúng nguẩy
- Rõ là sẩm người ta già rồi ...còn mỹ cái phải gió ,lão nhà văn cũng ghé sát tai lão sẩm thì thào,
- Úi trời ôi...vợ vừa già đanh cóc đế vừa sấu ma chê quỷ hờn mà gặp ai cũng mang ra khoe hí hí...lão sẩm cười khà khà lôi tôi vào trong nhà
- Với em là nhất đấy,người ta ai chịu lấy thằng mù ,được bà ấy cưu mang em quý lắm ,giang hồ gặp nhau thế mà nên duyên chồng vợ, đúng là “Hữu duyên thiên lý chi tương ngộ”phải không anh ,mời chúng tôi ngồi xuống tấm phản giữa nhà lão kể tiếp
- Đận ấy...nghe người ta bảo vào hát cho bọn đào vàng chúng nó cho nhiều tiền lắm, em nhờ người đưa vào,hóa ra toàn một lũ, đứa ốm đói, đứa nghiện hút rách như tổ đỉa, mấy ngày đầu còn xin được miếng ăn sau bị bỏ đói dài, muốn ra mà không lần ra đường, chỉ còn chờ nước chết ,may gặp bà ấy,cũng cảnh bị lừa vào cõi trầm luân, bà ấy đưa ra cho thế là em thoát,em rủ bà ấy đi hát, sau vài chuyến kiếm được ít vốn bà ấy bảo về quê mà sống cho đàng hoàng em rủ bà ấy về cùng, thế là thành vợ chồng ,giời cho được hai thằng con trai thằng đầu đi làm thợ xây, thằng sau còn đang học ,vợ chồng già ra gốc đa đầu làng bán nước cũng đủ sống .Nắm tay mừng cho lão tôi bảo
- Bác thế là ổn rồi, khối người bình thường mong còn chẳng được thế ,lão cười hề hề,
- Số em không có mắt nên được giời thương ,thôi cũng đành, cố sống làm người cho khỏi uổng phí công cha mẹ sinh thành ,lúc ấy vợ tay nhà văn cũng vừa sang nghe vậy liền góp chuyện
- Gớm bác lúc nào cũng diễn giải văn vẻ như nhà văn ấy
- Thì tớ cũng văn chứ sao ,cứ làm như mình chú nhà thím mới viết văn được ấy,đây mà ra tay á,nó chạy theo còn mệt, chị vợ tay nhà văn cười ré lên
- hí hí...bác sẩm ơi cứ cho là bác có tài đi, nhưng bác nhìn thấy được cái gì mà đòi viết mới chả lách, bác chỉ viết được mấy bài hát sẩm thôi...hí hí...
- Cái thím này, sống với nhà văn mà không biết nó viết được là nhờ cái gì à?...nhờ nghe,chỉ cần nghe thôi,nghe người ta bảo cái gì thì viết cái đấy,viết theo cái nhìn thấy thế chó nào được, tớ cũng nghe được,tớ bốc phét còn tài hơn nó,tớ mà viết còn thần sầu quỷ khốc hơn nó ấy chứ... ,tao nói thế đúng không nhà văn?...
- Dạ...vâng , bác tài ,bác đúng...ai dám cãi bác hề hề... lão sẩm quay sang tôi,
- Đấy anh xem ,em nói chỉ có đúng...nhưng anh chơi với thằng nhà văn này phải cẩn thận, những thằng nhà văn xuất thân có tý chính trị là thâm lắm ,không khéo nó văn mình ra cám luôn..., tôi vội bênh thằng bạn,
- Em bác hiền như đất sao có truyện ấy được
- Đại ca không biết thôi, hồi còn bé tý nó đã biết chơi sỏ em, hồi ấy còn chưa văn minh như giờ,sáng em hay lần ra bờ rào đái, nó chạy theo chĩa cu đái ướt hết quần em rồi lu loa em đái ra quần,thế là bu em lại đánh em một trận về cái tội đi đái không nên, em cay lắm,lập mưu mãi mới trị được hắn ,tôi tò mò
- Ông trị thế nào ,lão nhà văn đỏ mặt gạt đi
- Truyện tiếu lâm ngày xưa ấy bác kể làm gì...
- Kể tí phần chót cho có đầu có đũa..., là nó, thằng nhà văn này này biết em không nhìn thấy gì nên cứ làm tới ,nhưng hắn không ngờ em không nhìn được nhưng em nghe rất thính thế là một hôm em giả vờ đái,cu cậu ren rén đi theo định rở trò cũ bất ngờ bị em quay sang tóm trúng cu em bóp cho đau kêu trời kêu đất, van xin, thề sống thề chết từ nay xin chừa... em mới tha cho trước khi tha em còn đe
- anh mày không nhìn được,nhưng anh mày nghe được tứ phía tinh lắm, cẩn thận không chết với anh, từ đấy nó mới được ngoan thế này đấy, tôi vỗ tay tán thưởng
- Tuyệt vời...tuyệt vời đúng là ông anh giỏi đã rèn  được thằng nhà văn giỏi...
Được vài tháng thì có tin phong phanh hình như thằng bạn nhà văn của tôi bị đột quỵ, đang phân vân dò la xem hắn nằm ở viện nào để đến thăm thì được tin chính thức là hắn đã chết, đã hỏa thiêu mang về chôn cất ở quê .Tôi sắm lễ vật, thuê một chuyến taxi lên phúng viếng ,vừa đi vừa thương thằng bạn yểu mệnh có chức có quyền vợ đẹp con khôn, đúng lúc sướng lại không được hưởng ,tôi soạn một bài chia buồn thật lâm ly nhẩm gần thuộc lòng để lên chia buồn với cô vợ xinh đẹp của hắn ,tôi thầm tiếc cho ngôi nhà với khu vườn đẹp như tranh của hắn từ đây mất chủ.
Trả tiền taxi xong tôi theo đường cũ vào nhà hắn, đường xá vẫn phong quang, khu nhà vườn vẫn đẹp nhưng đã bị rào kín không cho người ta vào ,đang loay hoay tìm lối thì thấy tiếng lão sẩm réo lên từ phía nhà lão
- Ai đới...ai loay hoay làm gì ở nhà người ta đới?..., tôi vội quay sang nhà lão ,vừa đi vừa nói
- Tôi đây mà bác sẩm ơi... ,nghe tin thằng nhà văn mất lên thắp nén hương viếng nó, đang tìm lối vào nhà nó mà không được... ,lão sẩm reo lên
- A...đại ca, đúng đại ca rồi...viếng nó phải vào nhà em đây này, bà vợ già của lão cũng từ trong nhà đi ra
- Mời bác vào nhà ạ!, bài vị của chú ấy cúng ở bên nhà chúng em cơ, bên ấy không có gì đâu ạ! ,tôi hoang mang sách lễ vào,khói hương nghi ngút ,ảnh thằng bạn trang trọng trên chiếc án gian giữa nhà, tôi sắp lễ lên bàn thờ, chắp tay khấn người đã khuất mà trong bụng vẫn áy náy không yên,lễ xong quay ra, lão sẩm đã dứng sẵn đấy ,kéo tôi sang chiếc phản bên cạnh mời nước ,tôi hỏi lão
- Thằng nhà văn này ốm đau kiểu gì mà đi nhanh vậy, mới nghe nói ốm chưa kịp thăm đã đi,lão sẩm hất hàm
- Thì cũng là một kiểu “sinh nghề tử nghiệp” bệnh phát từ tâm ra thôi, cả đời chiều chuộng o bế theo ý người, đến khi nó chán ,nó đập cho thì đổ bệnh mà chết, tôi nghi ngờ
- Thôi chết nó viết sai phạm đường lối chính sách à...
- Không ạ! họ nhà em nhát gan ,bố bảo cũng chả đứa nào dám làm thế, nhất là thằng nhà văn này ,nó thấm nhuần ghê lắm ,thỉnh thoảng còn được hội nọ ,hội kia mời đi nói truyện thời sự ,giải thích đường lối cơ mà, tôi sốt ruột
- Thế nó làm sao...
- Cái con mẹ ấy bỏ nó..., mà em cũng làm công tác tư tưởng cho chú ấy rồi ,nhà văn bị vợ bỏ là truyện bình thường...,nghĩ đến cô vợ xinh đẹp của hắn bất giác tôi tặc lưỡi
- Ờ vợ đẹp thế nó bỏ cho thì đau thật, lão sẩm đế thêm
- Lại còn chia tài sản nữa mới đau chứ, nhà cửa ,vườn tược bán hết chia bốn hắn được một thì coi như trắng tay còn gì...,đấy ngôi nhà này mảnh vườn này bán hết rồi thế mà không quỵ mới lạ
- Tưởng vợ hắn quý hắn lắm cơ mà ,mấy lần vào chơi với hắn ở Hà Nội thấy mặt vợ hắn cứ chiêng lên ra vẻ tự hào hãnh diện lắm
- Úi,diễn cả đấy ,vợ gì,loại người chuyên đi vắt sữa ấy mà
- Sao lại vắt sữa ,mà cứ cho chị vợ hỏng đi thì nó còn mấy thằng con nữa chứ,
- Con nào,nó làm chó gì có con, toàn những đứa chị ta đánh ngạnh đem về đấy
- Ông nói thế nào, sao nó lại không có con...
- Đại ca không biết thật à,nó làm chó gì có bi mà đòi có con...truyện em đã kể đại ca nghe một lần nhưng chưa hết, cái lần nó bị em tóm cu em bóp cho ấy,nó chống chọi ghê lắm nghe nói bóp hòn bi rất đau, em định lần tìm bóp cho nó chừa nhưng tuyệt không thấy ,trời ạ nó không có của ấy, đang lúng túng thì nó giật ra được, nó dài mồm diễu em
- Ông làm đ...gì có cái ấy mà mày đòi bóp ,rồi bỏ chạy về nhà, lo bị nó trả thù, em vội lần sang nhà nó dọa
- Nếu mày còn đái vào quần ông, ông sẽ khoe cho cả làng biết mày không có bi ,lúc ấy mẹ nó tức là bà thím em ấy cũng có mặt ở đấy, nghe thấy vậy vội van xin em rối rít
- Thím lạy cháu – thím cắn cỏ lạy cháu đừng nói điều ấy ra cho ai biết để cho em nó còn ngẩng mặt với đời .Chẳng biết nó ngẩng mặt là thế nào, chỉ biết người lớn bảo thì em vâng ,bà thím bắt nó xin lỗi em, bắt nó phải thề sống thề chết không được xúc phạm em ,từ đấy nó mới phục em, hồi đơn vị bộ đội về lấy quân, không được tuyển nhưng nó cứ chạy theo lên tận huyện xin đi,có xã thiếu người, họ bổ xung hắn vào ,thế là hắn được đi bộ đội ,rồi hắn trở thành nhà văn,nhà báo ,cả họ nhà em, cả làng này ai cũng bảo hắn có tài ,nhưng xét cho cùng “có tài mà cậy chi tài”giá hắn cứ sống với cái thực của mình thì có lẽ sẽ đỡ khổ hơn, cả cuộc đời chơi toàn đồ giả nên chết khổ ,tôi cố bênh thằng bạn
- Tất cả giả là thế nào, tài của nó là thực, tác phẩm của nó hay là thực...
- Cái đó em chả dám tranh luận với đại ca vì em có được đọc hết tác phẩm của nó đâu, trước đây em có được nghe mấy cái truyện ca ngợi đường lối làm ăn tập thể ở nông thôn của hắn, trong truyện cái“hợp tác xã nông nghiệp” được hắn bốc lên tận may xanh ấy bây giờ người ta giải tán hết rồi...em mù đã đành còn hắn có mắt, không biết lúc ấy hắn có nhìn thấy cái hay thật không nhỉ ,hay cũng chỉ nghe người ta nói ,Nó là em mình, sống với mình bao nhiêu năm thế mà giờ đây em vẫn thấy nó mơ hồ ảo ảnh thế nào ấy, nhìn nó là thằng đàn ông,mà lại không phải đàn ông, nó có vợ,nhưng lại không phải vợ nó,nó có con,nhưng cũng không phải con nó,nhà cửa, vườn tược đẹp đẽ bỗng ào một phát biến hết, những cái hắn khen hay, giờ không ai bảo hay nữa ,những cái hắn chê rở, giờ lại không rở tý nào,tất cả việc hắn làm giống như việc của con bò sữa ,tiết sữa cho người ta dùng ngay lúc ấy ,để lâu là hỏng, thế nên em mới bảo cái con nó gọi là vợ ấy là con vắt sữa. Tôi vẫn thương thằng bạn muốn bênh nó nhưng chẳng biết bác lại lý sự của lão sẩm như thế nào ,đành cáo từ ra về, vợ chồng lão sẩm cố giữ lại dùng cơm,nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào mà ăn nữa ,đường về không biết có phải mắt bị tăng số không mà nhìn cái gì cũng thấy nó mờ mờ ảo ảo, tới nhà bà xã đưa cho hộp sữa tươi cô gái Hà Lan bảo hút cho đỡ khát mà cứ ghê ghê không dám hút không biết có lẫn tí sữa nào của thằng bạn trong ấy không .

Y - C
HAT CAT _ DIỆU SINH at 12/07/2011 07:52 pm comment
Dạo này người ta ưng Hip hop, đọc rap ... chả ai hát sẩm nữa . Yc dạo này bận làm ăn hay bận nuôi vịt vây?! "chuống Vịt " xong rồi , đi chơi thôi!
Yên chi at 12/10/2011 10:06 pm reply
Cám ơn hat cat ghé thăm, chuồng vịt xong rùi ,cơ mà rét đi chơi xa ngại,chơi gần chán, đành ngồi nhà tiếp mấy lão già ngồi tán xuốt ngày quên cả bờ nốc, Chúc cát buổi tối vui vẻ nha
Cựu Chiến Binh at 12/02/2011 02:34 pm comment
đọc truyện của bác những kỷ niệm xưa nay đan xen,quá khứ và hiện tại,giá như bây giờ những đứa lười lao động,suốt ngày ngồi lông bông mà nhà nước có kinh phí bắt bọn ấy đi ra xây đảo thì xã hội đẹp hơn lên nhiều bác nhỉ? Chúc bác vui nhé
Yên chi at 12/10/2011 09:57 pm reply
Cám ơn ccb ghé thăm ,ngày xưa là cải tạo xã hội chủ nghĩa, ai lười bị ép lao động,bi giừ kinh tế thị trường ,đứa nào lười ,đứa ấy đói, khác phải làm, kể cả việc xây đảo cựu ạ ,Chúc cựu buổi tối nhiều niềm vui nha
HAT CAT _ DIỆU SINH at 11/29/2011 09:39 pm comment
”giá hắn cứ sống với cái thực của mình thì có lẽ sẽ đỡ khổ hơn, cả cuộc đời chơi toàn đồ giả nên chết khổ . Tất cả đều vậy thôi. Sống thưc, thiệt thòi đây nhưng mình là minh, phải không YC ui!
Yên chi at 11/30/2011 09:01 pm reply
Cám ơn hatcat ghé thăm ,Thực thà thì toàn thấy thua thiệt he he thế nên chẳng ai thích thực thà ,Chúc cát buổi tối vui vẻ nha
Cỏ may at 11/26/2011 08:40 pm comment
Ui, YC lặn một hơi dài như dãi ngân hà, giờ nổi lên cho ra đời một entry cũng dài y như thế. Hic Cỏ chưa có thời gian đọc, sẽ đọc trong thời gian YC "lặn" tiếp. Chúc Ông Ngoại luôn khỏe nhé!
Yên chi at 11/30/2011 08:55 pm reply
(Empty)
Cỏ may at 11/26/2011 08:39 pm comment
Ui, YC lặn một hơi dài như dãi ngân hà, giờ nổi lên cho ra đời một entry cũng dài y như thế. Hic Cỏ chưa có thời gian đọc, sẽ đọc trong thời gian YC "lặn" tiếp. Chúc Ông Ngoại luôn khỏe nhé!
Yên chi at 11/30/2011 08:55 pm reply
Cám ơn Cỏ May ghé thăm lặn dài nên viết dài để lấp vào chỗ trống ấy mà .Chúc Cỏ May, buổi tối may mắn nhiều hạnh phúc nha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét