Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Vết thương (từ yahoo chuyển sang)

VÊT THƯƠNG
12:03 25 thg 7 2010Công khai23 Lượt xem16

Đời người ta rất hay có sự tình cờ,thường những sự tình cờ không mấy khi gây cho người ta sự lưu luyến ,giống như khi ta đi trên đường nhìn những người đi ngược lại phía mình ,mặt đối mặt đôm đốp nhưng chẳng nhớ được hình bóng ai.
Tôi với anh gặp nhau cũng là một sự tình cờ,bởi nó dẫn đến do sự tự nhiên của quá trình công việc , ấy thế nhưng sự tình cờ này lại làm tôi với anh trở thành thân thiết .Anh hơn tôi những mấy tuổi ,cái thời trai trẻ ấy ở các vùng nông thôn, hơn nhau vài tuổi là cả một sự cách biệt .Các gã trai tơ luôn nhìn các gã trai tơ khác kém mình một hai tuổi bằng nửa con mắt ,kém một tuổi cũng là "đồ hậu sinh"huống hồ khi anh đã là ông thầy dạy văn cấp 2, tôi vẫn đang là thằng học trò thò lò mũi xanh dù đã đang học cuối cấp 3.Vấn đề là ở chỗ tôi đi bộ đội trước anh. Đến tuổi "nhớn"tôi được gọi đi bộ đội ngay ,hiển nhiên là trong lúc tôi lao đao với khói lửa mịt mù ,thì anh đàng hoàng đứng trên bục giảng ,tay đút túi quần tay cầm thước gõ vào đầu bọn trẻ con <đấy là anh nói vậy>mãi đến hồi tổng động viên người ta mới mời anh nhập ngũ, trong hoàn cảnh đang có lương tiêu sài rủng rỉnh ,đang thở ra khói ,nói ra lửa trước bọn trẻ con và phụ huynh của chúng , cái tuổi làm anh đã qua ,làm cha chưa tới ,phải từ bỏ tất cả để vào làm thằng lính 5 đồng chắc anh phải khớp lắm ,cái khổ nữa là tuy đã già đanh cóc đế<đấy là theo cái nhìn của bọn tôi> mà chưa có lấy một hột người yêu ,anh bảo cái nghề làm thầy của anh nó kỵ đàn bà .Hồi ấy trai tráng đi bộ đội hết, trong làng một mình tung hoành giữa đám chị em mà chẳng làm nên cơm cháo gì ,thấy em kháu kháu mới mon men đến chưa kịp tán nó đã lảng đi mất ,các cụ thân sinh cũng giục giã, nhưng anh cứ khất lần "Thôi để từ từ", ai ngờ từ từ thành sư lúc nào không biết, đến lúc lên đường nhập ngũ mới trắng mắt ra, mình chẳng có em nào đưa tiễn, trong lúc mấy đứa sinh viên, mấy anh cán bộ các ngành khác, các em đưa tiễn đông núc nỉu như buồng chuối mắn, riêng anh trơ khấc một mình như củ khoai lang chiêm .
Vào lính,sau nửa tháng huấn luyện, anh được điều ngay về đơn vị chiến đấu, với tuổi tác và dáng vẻ đạo mạo của ông thầy, người ta phân anh làm tổ trưởng tổ 3 người, hai thằng tổ viên chỉ nhỉnh hơn lũ học trò của anh một chút ,chúng rất nghe lời và sùng bái anh ,đánh nhau vài trận người ta giao anh làm tiểu đội trưởng ,hết mùa chiến dịch,đến mùa chỉnh quân, thấy anh có "Trình độ" thủ trưởng điều anh đi học lớp sơ cấp sửa chữa máy thông tin để về phục vụ cho tổ kỹ thuật sửa chữa của trung đoàn,thế là tôi gặp anh. 
Hôm ấy đang ngồi trực ở phòng tiếp nhận học viên, thấy một anh đứng tuổi đen cháy như củ súng, quần ống cao ống thấp ba lô đeo một quai, tay chống gậy tay sách chiếc điếu cày ,lững thững đi vào ,nhìn tôi trừng trừng mấy giây rồi bỗng chỉ cái điếu cày vào mặt tôi nói
- Ê cu... mày cũng ở đây à
 tôi đào nát cả đống trí nhớ mà cũng không nhớ nổi anh là ai, cũng đã nghĩ đến sự nhầm lẫn của người đối diện, nhưng khuôn mặt tự tin đến mức tỉnh bơ ấy làm tôi lúng túng chẳng biết nên ờ hay nên ớ. thấy vậy anh nói thêm
- Quang đây...Quang giáo viên nhà ngay chỗ cổng làng ấy...          Tôi nắm ngay lấy tay anh
- Trời ơi...anh Quang...anh khác quá...sao anh khọm thế làm em nhìn mãi không nhận ra ,  anh cười hơ hớ
- Các chú mày trẻ, ăn cơm lính vào thằng nào cũng to cao lên,đẹp ra ,anh càng ăn cơm lính càng gầy càng quắt đi hề hề...
- Anh về đây làm gì? tôi hỏi
- Anh về học ,thấy bảo lớp học sửa chữa thiết bị thông tin ngắn ngày tập kết ở đây thì đến
- Anh học làm quái gì cái nghề này ,nay mai về làm thày giáo sướng gấp vạn lần làm cái việc thối tai chai đít này
- Ờ trên bảo sao thì nghe vậy thôi, mà cũng là dịp xả hơi đấy chú mày ạ ,trong ấy bom đạn máy bay rầm rầm mất cả ngủ
- Dở hơi nhỉ? Em lại là người tiếp nhận cái lớp này đấy
- Thế thì hay quá dở cái gì ,chuyến này có khi anh kiếm được vợ cũng nên
- Đừng tưởng bở,con gái vùng này đề cao cảnh giác với bộ đội lắm, làm quen không dễ đâu ,hồi ở nhà trắng trẻo ,đẹp trai còn chả ăn ai, bây giờ gầy đen thế kia mà mơ thì chỉ có"đi chùa hương", anh cười hề hề
- Chưa gì đã dọa ma nhau, một năm làm lính cưa gái giỏi hơn mười năm làm thầy ha ha ha...rồi chú mày biết tay
Đưa anh về nhận chỗ ở xong,tôi bắt đầu lo lo ,quản lý mấy "bố" này khó lắm đây . Tất cả học viên của khóa học được tổ chức thành một đại đội ,chia làm 4 lớp, mỗi lớp chừng 50 người tương đương trung đội ,tôi được giao làm chủ nhiệm một lớp trong đó có anh ,ai đã từng phải cộng tác làm việc với một anh chàng dở ông dở thằng thì sẽ biết thế nào là ấm ức ,thế mà lớp của tôi, hay nói đúng hơn là cả cái khóa học viên này đầy dẫy những ông, bị bắt học làm thằng, họ là sinh viên các trường đại học ,trường trung cấp đủ cả ,bách khoa ,sư phạm ,tổng hợp kinh tế tài chính v..v..họ đang chiến đấu,phục vụ chiến đấu ở các đơn vị ngoài chiến trường ,được cử về hậu phương học là đi ngay không cần biết mình học cái gì,vể ào ào nhưng học rất lơ mơ ,xả hơi là chính vì ước nguyện của họ là mong hết chiến tranh để về lại trường cũ tiếp tục học .Đây cũng là cách thể hiện tình thương và sự tôn trọng của các vị chỉ huy các cấp ngoài mặt trận đối với các tài năng trẻ ,trong phạm vi quyền hạn họ cố giữ cho những người này được an toàn điều này cũng làm ra nhiều truyện dở khóc dở cười, như cái hồi sau chiến dịch quảng trị ở trong ấy gửi ra mấy học viên để đào tạo trung cấp, khi mấy thầy nguyên là kỹ sư đại học bách khoa lên lớp giảng bài, họ đã phải trố mắt khi nhìn thấy ông thầy trợ giảng cũ của mình đeo lon trung sĩ ngồi trong đám học viên, khi lôi ông ra khỏi đám này ông dãy đành đạch
- Tao đe...biết, việc chúng mày dạy cứ dạy ,việc tao học cứ học, nay mai hòa bình tao về lại trường chúng mày muốn gọi tao là gì thì gọi
Chủ nhiệm chính trị phải xuống tận nơi vận động rồi xin phong quân hàm vượt cấp từ trung sĩ lên thẳng trung úy ông mới chịu ở lại giảng dậy nhưng vẫn giao hẹn "Hòa bình là tôi về trường cũ đấy"
Cái lớp của tôi cũng vậy, toàn những lão coi sự học ở khóa này là trò chơi trời cho,đi học thì không ghi bài ,giờ ôn tập toàn kể truyện tiếu lâm,mà sao họ lắm truyện tiếu lâm thế . Mãi sau này tôi mới biết chính anh Quang là tác giả của phần lớn truyện tiếu lâm ấy ,hết tếu táo lại đến khích bác quê hương của nhau, các nhà máy cháo ,cầu tõm ,xin xà phòng được lôi ra hết ,nói chán lại đến truyện tôm tép,cào cào châu chấu ,lớp học lúc nào cũng ồn như cái chợ ,góp ý thì các ông tướng bảo các cậu thông cảm chúng tớ vừa từ chiến trường ra vui quá nên thế, tay trợ lý chính trị nhà trường xuống nắm tình hình thấy vậy tức lắm họp cán bộ khung lại phán "các cậu phải cẩn thận với đám trí thức có máu lính tẩy này nhé ,suốt ngày ăn nói bạt mạng toàn giọng khích bác ,coi trời bằng vung" nói là vậy nhưng cấp trên cũng biết đây toàn những trí thức tương lai lại là những cựu binh đã qua chiến đấu ,họ là những người rất tự trọng và có ý thức tự giác tốt .Trong các giờ học có lẽ chỉ những giờ thực hành sửa chữa máy do tôi đảm nhận là các lão thích, các lão gọi là giờ chọc ngoáy, anh Quang cũng thích ,anh tuyên bố
- Tưởng là xoàng hóa ra cái việc chọc ngoáy này hay phết anh học nghiêm chỉnh đấy.
.Nắm được tâm lý,đầu tiên tôi hướng dẫn các lão cách lắp đài 2 bán dẫn rồi 3 bán dẫn hồi đó gọi là đài 2 bóng 3 bóng nó kêu the thé như mèo hen nhưng anh nào cũng mê vì nó là thành quả lao động của mình ,đến phần sửa chữa phải nói khó với thủ kho để lão giúp tìm hết số đài dân dụng có trong kho, toàn những cái tên quen thuộc như ô ri ông tông ,ri ga ,xương mao ,mẫu đơn,cờ đỏ ,mang về cho mấy ông nghịch ,mỗi lần sửa thành công một chiếc đài là sướng là đặt câu hỏi tại sao ,tại sao, cứ dựa vào đấy bổ xung thêm lý thuyết cho mấy ổng , chữa đài chán rồi mới đưa máy quân dụng vào ,nêu thêm mấy đặc điểm,tính năng riêng để các ông biết mà làm ,rồi chuyển sang máy phát, máy điện thoại hữu tuyến ,máy nổ,kể cả đánh moox hầm bà làng rồi cũng xong .
Kết thúc khóa học ,các anh về lại đơn vị ,chia tay lưu luyến lắm anh Quang nắm tay tôi bịn rịn
- Thế là anh vẫn chưa tìm được người yêu .Tôi nắm tay anh an ủi
- Thôi chờ đến hòa bình về quê, anh em mình cùng đi tìm vợ một thể .Anh cười buồn
- Ừ thôi ,cố chờ đến ngày ấy vậy
Anh đi tháng trước ,tháng sau tôi cũng khoác ba lô vào chiến trường... nghe đâu đơn vị anh cũng tham gia đánh buôn mê thuột ,rồi tổng tiến công ,Chúng tôi cũng lao vào chiến dịch, sau ngày toàn thắng,trên đường trở ra tôi ghé vào trại điều dưỡng Thanh Hóa thăm một người bạn, vào cổng thấy có người gọi, hóa ra là anh ,anh gầy và xanh quá ,mặt hốc hác răng chìa ra ,dáng đi khòng khòng ,anh không gọi thì tôi không nhận ra ,giọng anh thều thào
- Mày vào đây làm gì?
- Em vào thăm thằng bạn ,anh bị thương lâu chưa mà lại ở đây
- Mới bị trong trận Xuân Lộc ,mổ xong kín miệng vết thương họ đưa về đây luôn
- Nặng không anh
- Đạn xuyên từ bụng qua lách ,sát sống lưng may không đứt tủy sống, không có thì liệt rồi,các anh ấy bảo về đây theo rõi tiếp ,ở đây chán bỏ mẹ anh đang muốn xin về
- Anh nên ở lại điều trị cho ổn định đã, tôi khuyên anh
- Ờ để xem thế nào đã
Chơi một buổi thì về, anh bạn tôi bị liệt do vết thương cột sống nằm một chỗ,mình anh Quang đưa tôi ra cổng ,anh nắm tay tôi lưu luyến
- Về mạnh khỏe nhé có ghé qua làng, cho mình gửi lời thăm các cụ ,đừng nói gì với với các cụ bên nhà anh nhá ,anh xin chú đấy ,khi nào về anh sẽ tự nói
Tôi chẳng biết nói gì chỉ biết khuyên anh cố ở lại điều trị cho tốt, khi nào khỏe hãy về, ấy là nói vậy nhưng trong bụng tôi đã có chút hồ nghi không biết vết thương ra sao mà anh lại ở cùng khoa chấn thương cột sống với thằng bạn tôi.
Sau đợt ấy, phải hơn một năm sau, tôi mới có dịp về thăm nhà, các cụ thân sinh bảo ,có anh Quang giáo viên,ở đầu làng mới ra quân hay đến nhà chơi, hôm sau tôi tới thăm anh ,lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng ,anh quay vào trong nhà gọi
- Em ơi! .Một cô gái nhỏ nhắn đi ra anh vui vẻ giới thiệu
- Đây ,bà xã mình đấy
- Chào chú... chị vợ chào trong niềm vui của chồng
- Anh chị thật tuyệt vời
Tôi chia sẻ niềm vui với hạnh phúc của họ ,anh chị vui lắm làm cơm giữ tôi ở lại cùng ăn ,anh khoe đã về lại trường cũ ,tôi để ý thấy anh có béo ra một chút nhưng vẫn xanh sao lắm , lúc chia tay, tôi có nhắc anh phải luôn giữ sức khỏe vì vết thương của anh dễ tái phát lắm anh gật đầu có vẻ trầm ngâm
Năm sau, dịp tết tôi có đến thăm gia đình anh ,chị vợ đi chúc tết chỉ có anh và cụ thân sinh anh ở nhà ,tôi hồ hởi chúc tết ông cụ và anh, truyện trò một lúc tôi hỏi truyện gia đình ,thấy ông cụ thân sinh ra anh thở dài buông thõng một câu
- Rõ chán, nhà có mình anh ấy là con trai ,lấy vợ mấy năm rồi mà không có cháu bế. Tôi chống chế hộ anh
- Không lo bác ạ ,nay mai lại chả đẻ sòn sòn, hai bác không có tay mà bế .ông cụ thở dài
- Được thế thì mừng
Ngồi một lúc thì về ,anh đưa tôi ra cổng, lúc bắt tay, anh nắm chặt tay tôi giọng buồn buồn
- Mình có lẽ hỏng mất rồi ,rồi anh kể .
- Vết thương ngày đó hình như tái phát anh mất khả năng làm chồng số lần ít ỏi gặp chị ở năm đầu không đủ để có một đứa con bây giờ thì hết rồi
Nghe truyện anh tôi choáng quá vội xua tay
- Thôi năm mới đừng nói truyện gở anh cứ bình tĩnh đi, bệnh này chữa được, để hôm nào em hỏi mấy tay bác sĩ trên đơn vị xem chữa như thế nào ,tôi ra về nghĩ thương anh quá, về đơn vị có dịp tôi đã hỏi ông chủ nhiệm quân y là một bác sĩ già ông lắc đầu
- Vết thương ở vùng ấy nguy hiểm lắm không bị liệt là may,hiện nay y học chưa hồi phục được vết thương loại này ,ông nhắc cả đến nhân vật Pa Ven trong truyện "thép đã tôi thế đấy" để minh họa .
Mấy năm sau tôi được chuyển về gần nhà anh em gặp nhau luôn ,sức khỏe giảm sút anh đã phải nghỉ đứng lớp, chuyển sang theo rõi mảng bổ túc văn hóa ,các cụ thân sinh ra anh cũng lần lượt quy tiên, nhà chỉ còn hai vợ chồng cun cút ra vào nhìn nhau .Một chủ nhật ,anh đến nhà rủ tôi đi chơi, hai anh em ra bờ đê ngồi ,sau vài câu bâng quơ anh bỗng trầm giọng xuống nói như khóc .
- Tao quyết định vận động cô ấy ra viện phụ sản thụ tinh nhân tạo ,không quá bất ngờ nhưng tôi vẫn ngậm ngùi hỏi lại
- Anh đã suy nghĩ thật kỹ chưa
Anh thở dài cúi đầu nhìn xuống đất, thì thầm như nói với chính mình
- Mình bị thương không thể để cô ấy bị thương theo mình được ,mình thiệt thòi mình khổ mình chịu ,mình không muốn để cô ấy thiệt thòi ,khổ theo mình
Tôi nhìn anh ái ngại
- Có còn cách giải quyết nào khác cho đỡ đau lòng không anh
Anh lắc đầu buồn bã
- không còn cách nào cả, mình cũng đã khuyên cô ấy đi lấy người khác nhưng cô ấy không chịu.
- Thế thì đau cho anh quá
- Mình chịu được,hy sinh cho bao nhiêu người còn được ,hy sinh một chút cho người phụ nữ tự nguyện làm vợ mình lại không được hay sao .
Tôi nhìn sang ,anh ngồi cúi đầu co hai chân mà sao bóng anh lồng lộng quá ,ôi một tấm lòng ,em còn phải học anh nhiều lắm thầy giáo ơi, tôi ngồi im không biết nói gì ,anh nhìn tôi nói thêm.
- Truyện này chỉ tâm sự riêng với cậu, mình không muốn người khác biết ,để cho cô ấy được hưởng hạnh phúc bên những đứa con tự nhiên như những người vợ bình thường khác .
Tất nhiên tôi hứa với anh là sẽ sống để bụng chết mang đi không nói cho ai biết.
Cuối năm ấy chị sinh con gái , họ hàng, làng xóm, anh em, bè bạn, ai cũng mang quà đến chúc mừng cho đôi vợ chồng muộn con ,tôi cũng mang quà đến mừng như mọi người ,anh đứng tười cười nhận quà ,nhận những lời chúc của mọi người, đến lượt tôi thì anh không cười ,anh chỉ nói câu"cảm ơn" nho nhỏ
Hai năm sau lại thấy chị có bầu ,trong một lần đến chơi chẳng cần hỏi anh cũng nói với tôi
- Mình muốn cho cô ấy có thằng con trai nên vận động cô ấy đi lần nữa
Tôi bâng khuâng nhìn anh chẳng biết nói gì ,với anh mọi lời an ủi động viên đều là thừa .Thế rồi chị lại sinh con gái mọi người đến chúc mừng anh lại vui vẻ cám ơn rồi còn tếu táo
- Vợ chồng tớ còn đẻ nữa, bao giờ ra con trai thì thôi...
Tôi thấy chị gục đầu vào vai anh biết ơn và trìu mến quá .Tháng ngày trôi đi những đứa con ngày càng khôn lớn .anh cũng được giao công việc quan trọng hơn ,có nhiều người phải nhờ vả .có chứng kiến đời anh mới thấy căm gét cái lối sống nịnh nọt hời hợt ,giả tạo, vào nhà anh thấy những đứa con ngoan người ta hay khen "Trời ơi ,các cháu mặt mũi giống anh quá, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" các cháu cười vô tư, chị nhìn đi nơi khác ,anh cười thật tươi rồi cám ơn ,nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy có nét đau lắm ,anh càng ngày càng gầy và khắc khổ .
Một hôm nghe tin anh phải nằm viện vào thăm, hỏi anh bảo bị đau dạ dầy, hỏi kỹ ,bác sỹ bảo anh bị ung thư dạ dầy, có thể do bị nhiễm chất độc da cam ,vì có di chứng của vết thương cũ việc mổ sẻ gặp khó khăn .mấy hôm sau ,bệnh ổn định anh xin về , anh bán bớt mảnh vườn lấy tiền làm nhà, tôi sang chơi hỏi sao đang bệnh mà lại làm nhà anh cười thật hiền
- Mình lúc nào chẳng bệnh, nhưng cần phải có cái nhà thật chắc chắn cho mẹ con cô ấy ở, mình không muốn thấy mẹ con cô ấy vì mình mà phải chịu thiệt thòi
Sức yếu ,vừa làm việc cơ quan,vừa làm việc nhà nên khi ngôi nhà 3 tầng hoành tráng khánh thành cũng là lúc anh nhập viện lần thứ hai ,đến thăm nhiều bạn bè khuyên anh nên về nghỉ hưu vì tính thời gian thì anh đã thừa ,anh chỉ cười . Hôm đến thăm tôi cũng khuyên anh như vậy ,anh nhìn tôi đăm đăm
- Mày không đùa anh đấy chứ ,với anh bây giờ làm gì còn khái niệm nghỉ ,phần riêng của anh chết từ lâu rồi ,phần sống còn lại bây giờ chỉ là công việc và lo cho người khác.
tôi nhìn anh không biết nói sao ,có một dạo người ta thống kê  những người bị nhiễm chất độc da cam để phát trợ cấp ,mọi người tranh nhau đăng ký, có cả những người chẳng có một ngày ra chiến trường ,không thấy anh đả động gì tôi sang hỏi ,anh trầm ngâm
- Mình có thiếu tiền đâu ,thôi để nhường xuất đó cho anh em khác,với lại...
ngập ngừng một chut anh nói tiếp
- Nghe nói chất độc da cam ảnh hưởng những mấy đời ,bố ảnh hưởng sang đời con rất nhiều ,hai đứa con cô ấy nó vẫn gọi mình là bố ,mà mọi người cũng nghĩ nó là con mình .mình không muốn chúng nó bị tai tiếng là có một ông bố bị nhiễm chất độc da cam ,sau này khó lấy chồng ra...
Một thờ gian sau tôi lại qua thăm anh lúc này căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối ,đã di căn vào xương , nó khoét vào vết thương cũ làm anh bị liệt hoàn toàn ,anh nằm gần như bất động người khô quắt da vàng ệch thở hổn hển, nhưng đầu óc vẫn rất tỉnh táo ,nhìn anh tôi ngậm ngùi rưng rưng, như để trấn an tôi anh phều phào nói đứt quãng qua nhip thở
- Thôi thế cũng là xong mày ạ ,ước vọng biết thế nào cho đủ tự anh cảm thấy, mình cũng chỉ chu toàn được đến vậy ,giá như anh vào được nghĩa trang trường sơn thắp cho mấy thằng bạn nằm đấy nén hương trước khi nhắm mắt thì hay quá .nhưng mà thôi để sau khi sang thế giới bên kia anh vào thăm chúng nó vậy .ôi ngày ấy vui quá mày nhỉ ,anh không thích chiến tranh đâu ,nếu không có chiến tranh,đời hai đứa mình đã khác ,nhưng phải thừa nhận rằng qua nó mình đã có được cái cảm giác bạn bè sống với nhau hết mình, được nếm trải nghĩa tình trung thành chí cốt ,đúng là những ngày đáng sống .Anh hỏi thăm tôi về ngôi trường mà thời gian ngắn anh đã học và đã có thêm những người bạn mới,anh nói những cảm nhận về sự bị cuốn theo cơn lốc chiến tranh cho tới ngày nhận được vết thương quái ác đó .Tôi nhìn anh trân trân không nói được gì,cảm giác như đang nghe anh trăng trối .
Ôi một cuộc đời ,một kiếp con người không biết có thể gọi đấy là một kiếp người không nhỉ .anh sống với người gọi là vợ lại có con với người khác ,những đứa trẻ gọi anh bằng cha chẳng liên quan huyết thống gì với anh và anh vẫn hết lòng vì họ cho tới lúc hấp hối.
Hôm sau anh mất, lễ tang anh rất đông, bạn bè ,đồng nghiệp, đồng đội cũ,họ di thành hàng dài đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng .Vợ anh khóc thảm thiết,các con anh gào lên gọi "cha ơi","bố ơi" tôi cũng rưng rưng nước mắt .tôi bỗng nhận ra một điều ,đúng ,đây đúng là vợ anh và đây đúng là những đứa con anh họ thương yêu anh thậy sự, ,họ thương anh đến cháy lòng ,thật là vô nghĩa khi người ta cứ nhắc đến cái gen hay cái ADN gì đó vợ anh rất hơp với anh, hợp ở cái tình nghĩa keo sơn ,các con anh sẽ rất giống anh giống ở tình thương và trách nhiệm cao với cuộc sống, họ đúng là những tác phẩm anh đã dầy công gây dựng bằng tấm gương của cả cuộc đời mình
Dòng người chầm chạm tiễn đưa nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống,cầu vong linh anh đến dược nơi anh muốn đến...

                       Y - C
Ảnh của Yên chi
4000 
  • Lê Vân
    Buồn, hợp lí và sâu bạn ạ
    • Yên chi
      Cám ơn levan ghé thăm và chia xẻ .Chúc bạn ngày mới nhiều niềm vui nha
  • Tuan Anh.62
    Bài viết đầy xúc cảm! 
    Chia sẻ cùng YC! Chất lính trong anh Quang thật cao cả, vị tha, trong sáng và cũng đầy lãng mạn đó YC ơi! 
    Chúc vui cùng những kỷ niệm đời lính nha!
    • Yên chi
      Cám ơn anhvu68 ghé thăm ,có những người lính sau khi bị mất hết tất cả họ lại tìm được hướng đi dúng bạn ạ Chúc bạn buổi tối nhiều niềm vui nha
  • Bliss
    • Bliss

    • 06:09 27 thg 7 2010


    ...canh hoa trang danh cho nguoi da khuat....
    • Yên chi
      Cám ơn Bliss ghé thăm . Hoa của bạn đẹp quá  Chúc bạn buổi tối nhiều niền vui nha
  • Hai
    • Hai

    • 03:11 27 thg 7 2010


    Nhà các bác đền ơn đáp nghĩa kinh thật đấy. Em đây chẳng được ơn ai tí tẹo nên cũng chẳng việc gì phải đền...! Chúc các bác sống ngàn tuổi thọ để mà đền họ dài dài...
    • Yên chi
      Cám ơn haxiuanhxh ghé thăm cũng chẳng phải đền ơn đáp nghĩa đâu chỉ là chút thương cảm ,ngày xưa mình với họ giống nhau cứ nghĩ tưởng, đi chiến đ..
  • Quốc dũng
    "anh vẫn hết lòng vì họ cho tới lúc hấp hối." 

    Trách nhiệm và sự hy sinh cao cả của người lính sau trận đánh. 
    Câu truyện rất hiện thực và cảm động. 
    Chúc anh một ngày mới vui vẻ.
    • Yên chi
      Cám ơn Chim Hải Âu ghé thăm ,cái hay của nhiều anh thương binh là trong hoàn cảnh thương tật,được nhà nước ưu ái vẫn tìm được cách sống rất đẹp ..
  • HN
    • HN

    • 18:20 26 thg 7 2010


    Câu chuyện bạn viết thật cảm động
    • Yên chi
      Cám ơn HN ghé thăm .nhân ngày thương binh liệt sĩ, kể câu truyện về một anh thương binh để các bạn blog cùng đọcthôi Chúc bạn buổi tối nhiều niềm vui nha
  • LTH
    • LTH

    • 15:20 26 thg 7 2010


    Chuyện anh viết rất hay, phần đầu vui, phần sau cảm động quá. Thương thay số phận của những người lính như anh Quang. Lòng nhân ái của họ đáng khâ..
    • Yên chi
      Cám ơn bác letienhoan ghé thăm động viên ,có những vết thương đau cả thể xác lẫn tinh thần kéo dài nhiều năm sau chiến tranh làm nạn nhân của nó rất khổ  Chúc bác buổi tối nhiều niềm vui nha
  • HOA TULIP
    ??????????????????
  • Cựu Chiến Binh
    sang đọc hai lần mới để lại dấu chúc Bác vui viết hay ạ
    • Yên chi
      Cám ơn Cựu Chiến Binh ghé thăm .Chúc bạn buổi tối nhiều niềm vui nha
  • LỜI CỦA GIÓ
                             Không ai có thể phủ nhận sự hy sinh của người lính thời trận mạc. Câu chuyện bạn viết vừa dí dỏm nhưng cũng rất..
    • Yên chi
      Cám ơn Đinh Bắc ghé thăm .thời trận mạc qua rồi nhưng kỷ niệm về nó thì khó phai ,nhân ngày 27/7 kể về vết thương của một đồng đội để chia sẻ cùng các bạn blog thôi Chúc bạn buổi tối nhiều niềm vui nha
Tải thêm nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét